Lối sống không lành mạnh đang là gánh nặng đè lên hệ thống y tế điều trị COVID-19 tại Anh (Ảnh: Express.co.uk)
Lối sống không lành mạnh gây nguy cơ béo phì
Lối sống không lành mạnh như ăn no, uống say, ít tập thể dục và thường lo lắng về dịch bệnh là những gì mà người dân Anh đã trải qua trong những ngày nước này áp đặt lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch COVID-19.
Đây là kết quả sơ bộ của một cuộc khảo sát được thực hiện trực tuyến đối với khoảng 800 người trưởng thành tại Anh về tình hình sức khỏe và thói quen sinh hoạt của họ trong giai đoạn phong tỏa từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7.
Kết quả cuộc khảo sát được công bố ngày 27/7 cho thấy, số người có tình trạng sức khỏe tâm thần tiêu cực tăng mạnh, cùng với thói ăn uống không lành mạnh, ngủ kém và ít tập thể dục. Những người trưởng thành trẻ tuổi dường như có tâm lý lo buồn trong khi 46% người được hỏi thừa nhận ít tập thể dục trong thời gian này. Nhiều người được hỏi cũng cho biết họ ăn nhiều hơn hoặc hay ăn vặt và uống rượu nhiều hơn.
Một trong những người đứng đầu cuộc khảo sát này, Giáo sư Stanley Ulijaszek, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về biến thể văn hóa sinh học và béo phì thuộc Đại học Oxford, cho biết, lệnh phong tỏa đã làm tăng mức độ lo lắng của người dân Anh khiến họ ngủ ít, buồn rầu, hoang mang, ăn nhiều, hay ăn vặt, uống rượu, ít tập thể dục và có suy nghĩ về việc tự tử. Ông Ulijaszek nhấn mạnh, những thay đổi này có thể gây ra những hậu quả lâu dài như làm tăng tỷ lệ béo phì và các bệnh về tâm thần.
Người mắc béo phì gánh hậu quả nặng nề hơn từ COVID-19
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật (CDC) Mỹ đã đưa ra một báo cáo cho thấy, những người béo phì, tức là những người được xác định là có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 30 trở lên, có nguy cơ mắc và gặp biến chứng từ COVID-19 cao hơn.
Theo đó, những người béo phì thường mắc bệnh tim và tiểu đường, do đó cần được chăm sóc đặc biệt khi mắc COVID-19. Các bác sĩ cũng gặp khó khăn hơn trong việc đặt nội khí quản cho bệnh nhân béo phì hay trong việc chẩn đoán bằng hình ảnh (vì có giới hạn trọng lượng trên máy chụp). Người béo phì cũng khó vận chuyển hơn.
Người béo phì gặp khó khăn hơn khi điều trị COVID-19 (Nguồn: Reuters)
Giường bệnh đặc biệt và thiết bị định vị, vận chuyển cho người béo phì có sẵn trong các đơn vị phẫu thuật chuyên ngành, nhưng có thể không có sẵn ở những nơi khác trong bệnh viện và không phải quốc gia nào cũng sẵn có. Các hệ thống y tế nói chung vốn chưa được thiết lập tốt để quản lý bệnh nhân béo phì và cuộc khủng hoảng COVID-19 hiện tại sẽ phơi bày những hạn chế này nhiều hơn.
Anh phát động chiến dịch chống béo phì
Chính vì những lý do trên, ngày 27/7, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã kêu gọi người dân nước này tập thể dục thường xuyên hơn để giảm cân và tránh tình trạng béo phì, vốn được coi là một trong những nguyên nhân khiến con người dễ mắc COVID-19.
Lời kêu gọi của nhà lãnh đạo Anh được đưa ra cùng ngày chính phủ nước này phát động chiến dịch Better Health (tạm dịch: Vì một sức khỏe tốt hơn) nhằm ứng phó với nạn béo phì. Chính phủ Anh cho biết sẽ cấm quảng cáo các loại "thức ăn rác" trước 21h hằng ngày, cấm hình thức khuyến mại "mua một tặng một" và yêu cầu các nhà hàng đưa thông tin về lượng calo của món ăn vào thực đơn.
"Thức ăn rác" được hiểu là những loại thực phẩm có mức dinh dưỡng thấp và nhiều chất không tốt cho sức khỏe như đường, mỡ, muối...
Xuất hiện trong một video clip trên Twitter, Thủ tướng Johnson chia sẻ trong một thời gian dài rằng, ông luôn mong muốn giảm cân và phải vật lộn với cân nặng của mình. Ông cho biết ngay cả khi sức khỏe rất yếu do mắc COVID-19 và phải nằm điều trị tại phòng chăm sóc đặc biệt, ông vẫn trong tình trạng thừa cân. Nhưng hiện tại ông đã giảm khoảng 7 kg và sức khỏe đã cải thiện ổn định sau khi khỏi COVID-19.
Thủ tướng Johnson hy vọng, chiến dịch sức khỏe này không phải là yêu cầu quá cao và khắt khe đối với người dân Anh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!