Các cuộc khủng hoảng địa chính trị và kinh tế - xã hội đang ảnh hưởng không đồng đều đến các nước có trình độ phát triển khác nhau. Tình trạng chênh lệch trong phân chia việc làm toàn cầu giữa các quốc gia có thu nhập cao và thu nhập thấp đang gia tăng. Điều này làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng hiện có do đại dịch COVID-19.
Anh Sujeet Kumar, 21 tuổi, quyết định rời làng quê ở bang Uttar Pradesh để đến thành phố Mumbai tìm việc làm. Anh cho biết: "Rất nhiều người ở làng tôi đang thất nghiệp, chẳng có cách nào để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Tôi sẽ lên thành phố kiếm việc làm trong nhà máy và gây dựng sự nghiệp. Tình hình ở làng quê không mấy tốt đẹp".
Anh Kumar chỉ là một trong số hàng trăm ngàn người trong độ tuổi lao động tại Ấn Độ đang chật vật tìm kế sinh nhai. Trong khi tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu vào năm 2023 dự kiến sẽ giảm dưới mức trước đại dịch, xuống còn 191 triệu người, các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp vẫn còn rất xa trong quá trình phục hồi.
Bà Mia Seppo - Trợ lý Tổng giám đốc về việc làm và bảo trợ xã hội, Tổ chức Lao động quốc tế cho biết: "Thế giới của chúng ta tiếp tục đối mặt với những cú sốc và các mối đe dọa chồng chất. Những cuộc khủng hoảng chồng khủng hoảng đã làm tổn hại đến triển vọng phục hồi của thị trường lao động, nếu không có sự phục hồi của thị trường lao động, chúng ta không thể có sự phục hồi kinh tế và xã hội".
Ngoài tỷ lệ thất nghiệp, một chỉ số mới do ILO xây dựng là tỷ lệ chênh lệnh việc làm, cung cấp thước đo toàn diện hơn về nhu cầu việc làm chưa được đáp ứng. Tỷ lệ chênh lệch việc làm bao gồm tất cả những người muốn làm việc nhưng không có việc làm. Các quốc gia thu nhập thấp phải đối mặt với tỷ lệ chênh lệch việc làm lớn nhất ở mức đáng báo động 21,5%, trong khi tỷ lệ này ở các quốc gia thu nhập trung bình là hơn 11%. Các quốc gia có thu nhập cao đăng ký tỷ lệ thấp nhất ở mức 8,2%.
"Điểm quan trọng đầu tiên là sự phân chia việc làm toàn cầu đang ngày càng tăng, vì vậy sự phục hồi không đồng đều của thị trường lao động cũng như của nền kinh tế vẫn tiếp diễn. Thứ hai, điều này được chứng minh bằng dữ liệu về lương hưu cơ bản dành cho người cao tuổi, tăng đầu tư vào bảo trợ xã hội sẽ mang lại lợi ích kinh tế. Việc đảm bảo lương hưu cho người cao tuổi thực sự đem lại lợi ích về GDP chỉ sau một khoảng thời gian tương đối ngắn. Thông điệp thứ ba là khi bạn nhìn vào các quốc gia kém phát triển nhất chịu tác động đồng thời bởi khủng hoảng đa chiều, từ nợ nần chồng chất đến lãi suất cao và lạm phát, điều này đòi hỏi các nước phải khẩn trương xem xét cải cách hệ thống tài chính", bà Mia Seppo nói.
Cũng theo ILO, đối với các nước đang phát triển, mức nợ gia tăng tạo thêm thách thức, thu hẹp đáng kể phạm vi can thiệp chính sách. Những hạn chế về tài chính và ngân sách cản trở việc ứng phó với các mối đe dọa phức tạp, bao gồm xung đột, thiên tai và khủng hoảng kinh tế, làm trầm trọng thêm khoảng cách việc làm.
Thành lập Liên minh toàn cầu vì công bằng xã hội
Để chống lại sự chênh lệch việc làm và kinh tế ngày càng tăng, Tổ chức Lao động quốc tế ILO sẽ thành lập Liên minh toàn cầu vì công bằng xã hội. Đây là tuyên bố được Tổng giám đốc ILO đưa ra tại Hội nghị Lao động quốc tế lần thứ 111 đang diễn ra ở Geneve, Thụy Sĩ.
Liên minh toàn cầu vì công bằng xã hội sẽ tập hợp nhiều cơ quan đa phương và các bên liên quan. Liên minh sẽ giúp định vị công bằng xã hội là yếu tố then chốt cho quá trình phục hồi toàn cầu và đảm bảo tương lai lấy con người làm trung tâm.
Việc khởi động một Liên minh toàn cầu cũng sẽ giúp tập hợp nhiều cơ quan quốc tế và các bên liên quan, đặt công bằng xã hội trở thành ưu tiên trong các chính sách và hành động của quốc gia, khu vực và toàn cầu. Tổng Giám đốc ILO cũng kêu gọi sử dụng tối đa các kênh ngoại giao để giải quyết vấn đề có những quan điểm khác nhau, giúp các bên hướng đến tầm nhìn chung trong tương lai.
Ông Gilbert f. Houngbo - Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO): "Liên minh toàn cầu vì công lý xã hội hướng đến việc cân bằng những đánh giá về môi trường, tài chính và xã hội trong các cuộc thảo luận, bao gồm cả cải cách cấu trúc tài chính quốc tế và ủng hộ việc gắn xây dựng chính sách với đầu tư cho bảo trợ xã hội cùng việc làm bền vững. Chúng ta cần có nỗ lực cụ thể khi đối đầu với những thách thức đang làm chao đảo thế giới việc làm.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vốn hứa hẹn quá trình chuyển đổi triệt để các phương thức sản xuất, những biến đổi nhân khẩu học và yêu cầu các nền kinh tế xanh sạch hơn, hứa hẹn mở ra tương lai tươi đẹp cho tất cả chúng ta. Tuy nhiên, vào thời điểm này, khoảng 4 tỷ người dân không có bảo trợ xã hội và 214 triệu lao động có thu nhập thấp hơn mức nghèo khổ. Bên cạnh đó, một lượng lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ mới phá sản. Và làm thế nào chúng ta có thể giải thích thực tế việc nữ giới có mức thu nhập trung bình thấp hơn khoảng 20% so với các đồng nghiệp nam?".
Hội nghị Lao động Quốc tế lần thứ 111 sẽ tiếp tục diễn ra tới ngày 16/6. Các đại biểu của người lao động, người sử dụng lao động và chính phủ từ 187 quốc gia thành viên của ILO sẽ tập trung thảo luận và tìm cách giải quyết nhiều vấn đề, bao gồm quá trình chuyển đổi công bằng hướng tới các nền kinh tế bền vững và toàn diện, đào tạo nghề chất lượng và bảo vệ người lao động.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!