Hàng nghìn ô tô Audi và khoảng 1.000 chiếc Porsche cũng như hàng trăm xe Bentley đang bị tạm giữ tại các cảng của Mỹ sau khi chính quyền nước này phát hiện một bộ phận trong những chiếc xe được cho là được chế tạo thông qua lao động cưỡng bức ở Khu tự trị Tân Cương, miền Tây Trung Quốc.
Các thương hiệu xe hơi hạng sang nói trên thuộc tập đoàn Volkswagen. Nhà sản xuất ô tô Đức này đã quyết định hoãn lại việc giao hàng trong khi các linh kiện điện tử bị nghi ngờ vi phạm luật sẽ được thay thế, Volkswagen cho biết. Quá trình này có thể kéo dài đến cuối tháng 3 do số lượng phương tiện thuộc dạng trên là khá nhiều.
Theo luật năm 2021 có tên là Đạo luật ngăn chặn lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ (UFLPA), hàng nhập khẩu từ khu vực Tân Cương bị cấm do cho rằng chúng được thực hiện bằng lao động cưỡng bức.
Volkswagen cho biết: "Khi chúng tôi nhận được thông tin về rủi ro nhân quyền hoặc các hành vi vi phạm tiềm ẩn, chúng tôi sẽ cố gắng khắc phục nhanh nhất có thể"; "Ngay sau khi nhận được thông tin về những cáo buộc liên quan đến một trong những nhà cung cấp phụ của chúng tôi, chúng tôi đã điều tra vấn đề".
Đây không phải là lần đầu tiên nhà sản xuất ô tô này dính líu đến cáo buộc cưỡng bức lao động ở Trung Quốc. Volkswagen có một cơ sở ở thủ phủ Urumqi của Tân Cương, nơi những người ủng hộ nhân quyền đã nêu lên mối lo ngại về việc sử dụng lao động cưỡng bức.
Nhà sản xuất ô tô này khẳng định họ không biết về nguồn gốc của các linh kiện vì chúng được cung cấp từ một nhà cung cấp gián tiếp. Volkswagen đã thông báo cho chính quyền Mỹ ngay khi được thông báo rằng các bộ phận này đến từ miền Tây Trung Quốc, hãng này cho biết.
Diễn biến trên xảy ra khi Volkswagen đang cố gắng cân bằng doanh số bán hàng đang sụt giảm tại Trung Quốc với mong muốn tăng cường sự hiện diện tại Mỹ, vào thời điểm căng thẳng chính trị giữa hai nước ngày càng gia tăng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!