Không chỉ vậy, tình trạng an ninh lương thực bất ổn cũng khiến hàng triệu người dân thiếu ăn trầm trọng.
Tại Kenya, chị Anne Wangui đã làm việc quần quật cả ngày tại một bãi rác để nhặt nhiều rác thực phẩm nhất có thể. Cứ mỗi ngày như vậy, chị chỉ kiếm được vỏn vẹn 3 USD. Với chị, đây là công việc duy nhất để chị có thể nuôi sống gia đình và cho con đi học.
Chị Anne Wangui nói: "Mỗi ngày, tôi kiếm được khoảng 3 USD nhờ vào việc nhặt rác đồ ăn rồi đem bán cho những người chăn lợn. Tôi cảm thấy may mắn vì số tiền đó có thể giúp tôi trả tiền nhà và nuôi sống gia đình tôi. Tôi mong sẽ có nhiều rác đồ ăn hơn, để tôi có thể duy trì sinh kế của mình".
Câu chuyện của chị Anne đã dấy lên thực trạng đáng buồn của vấn đề lãng phí lương thực tại Kenya cũng như trên toàn thế giới. Báo cáo mới đây của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho biết trong năm 2022, thế giới đã lãng phí khoảng 19% lượng thực phẩm được sản xuất trên toàn cầu. Con số này tương đương khoảng 1 tỷ tấn thực phẩm bị vứt bỏ. Báo cáo của UNEP cũng chỉ ra rằng trung bình mỗi người lãng phí đến 79 kg đồ ăn mỗi năm, tương đương 1 tỉ bữa ăn bị vứt bỏ mỗi ngày trên toàn thế giới.
Ông James Lomax thuộc Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho biết: "Kể từ năm 2015, nhiều quốc gia đã không đạt được nhiều tiến triển trong việc hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Vì vậy, các quốc gia cần nỗ lực phối hợp giải quyết vấn đề lãng phí thực phẩm càng sớm càng tốt".
Trong bối cảnh xung đột leo thang tại nhiều khu vực, tình trạng mất an ninh lương thực đã khiến hơn 282 triệu người thiếu ăn trầm trọng chỉ trong năm 2023. Tình hình kinh tế khó khăn cùng với các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán cũng là nguyên nhân chính khiến nạn đói gia tăng. Các chuyên gia kêu gọi các nước cần nhanh chóng đẩy mạnh hiệu quả trong việc sản xuất nguyên liệu thực phẩm để giảm lãng phí đồ ăn và ngăn ngừa nạn đói.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!