Qatar đang đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Mỹ và Iran.
Đặc biệt, người ta đang ghi nhận sự nổi lên của một quốc đảo nhỏ, với diện tích chỉ hơn 11 nghìn km2, tức là gấp khoảng 3 lần Hà Nội, đó là Qatar. Quốc đảo này đang trở thành niềm hy vọng của phương Tây, khi không chỉ hứa hẹn có thể là nguồn cung khí đốt về dài hạn cho châu Âu, hiện Qatar còn đang đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Mỹ và Iran.
Qatar có dân số chưa đến 3 triệu người, diện tích chỉ khoảng bằng 3 lần Hà Nội, nhưng trong một động thái mới đây, Mỹ đã tuyên bố Qatar sẽ là đồng minh chủ chốt ngoài NATO của mình. Một bước đi theo bình luận của trang mạng thuộc Hội đồng chiến lược về Quan hệ quốc tế Iran, có vẻ như Qatar đang được Washington gửi gắm để giúp triển khai những chính sách của mình tại khu vực. Đặc biệt trong bối cảnh Mỹ đang muốn tìm một cách tiếp cận khác tại Trung Đông, vươn tới cả các quốc gia như Iran, Qatar tỏ ra là đối tác Washington có thể tin cậy bởi đường lối dung hòa, khả năng đàm phán của mình.
Tại Vùng Vịnh thì Saudi Arabia chính là nhà nhập khẩu vũ khí số 1 của Mỹ. Tuy nhiên Riyadh hiện lại không được Mỹ xếp vào nhóm đồng minh chủ chốt như Qatar và đang có xu hướng triển khai chính sách ngày càng độc lập hơn với Washington. Saudi Arabia thời gian qua đã nhiều lần từ chối lời kêu gọi tăng sản lượng dầu của Mỹ. Trong khi đó, Qatar dù cũng khẳng định đường lối trung lập trước những căng thẳng hiện nay tại Ukraine nhưng lại đang khéo léo gỡ khó cho Washington trong nhiều hồ sơ khác.
Theo báo A News của Thổ Nhĩ Kỳ, hiện Qatar đang đứng ra là trung gian hòa giải giữa Mỹ và Iran. Nước này được cho là cũng đang đóng vai trò tiếp nhận và truyền tải các thông điệp qua lại giữa Mỹ và Nga liên quan đến việc hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran, hay giữa các nước phương Tây và Taliban trong hồ sơ Afghanistan.
Vị thế lớn nhất của Qatar không gì khác chính là mỏ khí đốt mà nước này đang chia sẻ với Iran, đây là mỏ khí đốt lớn số 1 thế giới.
Theo Báo Bưu điện Jerusalem, Qatar trong ngắn hạn cũng chưa thể tăng ngay sản lượng khí đốt, nhằm bù đắp cho châu Âu lượng thiếu hụt từ Nga. Nhưng Doha lại chọn cách từ chối lời kêu gọi của phương Tây mà cam kết sẵn sàng sẽ dần tăng sản lượng, trở thành một nguồn cung khí đốt đang tin cậy cho châu Âu, nhưng là về dài hạn.
Với các bước đi kể trên, Qatar được cho đang chứng tỏ là một đối tác có vị trí đặc biệt với phương Tây, cùng lúc lại không làm mất lòng bên nào.
Trang báo Al Araby cho rằng Qatar đang tạo lập được cho mình một vị thế mới. Để rồi tới đây, nếu họ có phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng ngoại giao với các quốc gia Vùng Vịnh như hồi năm 2017 thì Doha cũng sẽ đối mặt với một tư thế rất khác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!