Những năm gần đây, lãng phí thực phẩm là một vấn đề nổi cộm ở cả các nước đang phát triển và nước phát triển. Không chỉ gây tốn kém chi phí xã hội, mà nó còn góp phần làm phát sinh các vấn đề về môi trường. Trong đó, Indonesia được xem là quốc gia lãng phí thực phẩm nhiều nhất Đông Nam Á và đứng thứ 2 trên thế giới, theo một đánh giá của tạp chí The Economist.
Mỗi năm, 260 triệu người dân Indonesia đã bỏ phí trung bình gần 300kg thực phẩm. Đây là nước lãng phí thực phẩm nhiều thứ 2 trên thế giới chỉ sau Saudi Arabia với 427 kg. Đây là kết quả công trình nghiên cứu do tạp chí The Economist tiến hành. Trong khi đó, một bộ phận người dân ở nước này vẫn đang phải vật lộn với cái nghèo và tình trạng suy dinh dưỡng.
Một chương trình mới mang tên "Hạnh phúc được chia sẻ" đã ra đời với mục tiêu giải quyết phần nào tình trạng lãng phí thực phẩm. Theo đó, những thức ăn thừa ở các bữa tiệc cưới sẽ được chuyển đến cho dân cư tại khu vực nghèo khó ở thủ đô.
Những gia đình tổ chức đám cưới ở Indonesia thường có tâm lý sợ thiếu đồ ăn, nên thường chuẩn bị rất nhiều đồ ăn cho các bữa tiệc cưới. Kể từ khi chương trình bắt đầu đi vào hoạt động tháng 11/2017, khoảng 50 đám cưới đã tham gia chương trình này. Tại một khu ổ chuột ở Jakarta, ông Efendi làm nghề nhặt rác đã rất xúc động khi nhận được phần đồ ăn do ngân hàng lương thực chuyển tới.
Theo Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên Hợp Quốc, khoảng 30% số thực phẩm trên thế giới bị lãng phí mỗi năm với tổng cộng lên tới 1,3 tỷ tấn, gây thiệt hại kinh tế đến 1.000 tỷ USD. Chính vì vậy, chương trình "Hạnh phúc được chia sẻ" được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu để chống lãng phí thực phẩm.
Báo động nạn lãng phí thực phẩm ở Bắc Mỹ VTV.vn - Trung bình hàng năm, mỗi người Mỹ bỏ phí khoảng 415 kg thực phẩm, ở Canada là 396 kg và Mexico là 249 kg. Những thực phẩm bị bỏ phí gồm đồ ôi thiu, hỏng, sản phẩm hết hạn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!