Tổng Cục trưởng Thương mại nội địa Indonesia cho biết, tỷ lệ xuất khẩu dầu cọ so với doanh thu nội địa cũng sẽ được duy trì ở mức hiện tại.
Cụ thể, các công ty dầu cọ chỉ được phép xuất khẩu sau khi bán một phần sản phẩm của mình tại thị trường nội địa. Lượng xuất khẩu dầu cọ tối đa gấp 4 lần khối lượng tiêu thụ trong nước.
Indonesia đôi khi vẫn đối mặt với tình trạng thiếu dầu ăn giá rẻ tại thị trường nội địa, trong khi giá cả mặt hàng này ở khu vực miền Đông xa xôi vẫn cao hơn mức trần do chính phủ áp đặt.
Tháng 4/2022, chính phủ nước này đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu mặt hàng này để ưu tiên thị trường trong nước trong bối cảnh nguồn cung nội địa không ổn định và tỷ lệ lạm phát cao. Nguồn cung dầu cọ toàn cầu ngay lập tức chịu ảnh hưởng và khiến giá dầu cọ kỳ hạn của Malaysia tăng vọt lên mức 1.680 USD/tấn, gần với mức cao nhất mọi thời đại.
Sau đó một tháng, Indonesia dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu, khiến thị trường ổn định hơn và giúp giá dầu cọ giảm mạnh xuống mức 744,45 USD/tấn hồi cuối tháng 9/2022. Dù vậy, sự ổn định này không duy trì được lâu khi nó bắt đầu leo thang vào mùa đông năm 2023.
Bộ trưởng Bộ Thương mại Indonesia Muhammad Lutfi cho biết, quốc gia này sẽ buộc các công ty nâng tỷ lệ tiêu thụ dầu cọ tại thị trường trong nước từ 20% lên 30% kể từ ngày 10/3/2022 trong một nỗ lực nhằm bình ổn giá dầu ăn. Bộ trưởng Lutfi cho hay việc tiếp tục siết chặt các hạn chế xuất khẩu nói trên nhằm đảm bảo giá dầu ăn trong nước vẫn ở mức hợp lý đối với người tiêu dùng và quy định này sẽ có hiệu lực cho đến khi tình hình trở lại bình thường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!