Lượng máu dự trữ tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, đầu mối cung cấp máu cho 170 bệnh viện tại 25 tỉnh, thành phố ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ, hiện không đủ đáp ứng nhu cầu cấp cứu và điều trị lên tới 1.500 đơn vị máu/ngày. Lượng máu dự trữ của Viện có lúc xuống thấp tới mức chỉ còn khoảng 6.000 đơn vị. Khối hồng cầu, tiểu cầu là các chế phẩm bị thiếu hụt trầm trọng nhất do có hạn sử dụng rất ngắn, trong khi máu nhóm O, A chỉ còn vài trăm đơn vị.
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bệnh viện ngoại khoa tuyến đầu của cả nước với hơn 70.000 ca mổ/năm, chỉ còn 10 đơn vị máu nhóm O và 2 đơn vị máu nhóm A. Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, do bệnh nhân nhập viện tăng, nhu cầu cần cấp phát lên đến 1.000 túi máu/ngày, nhưng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương chỉ tiếp nhận từ 200 - 300 đơn vị máu/ngày. Trong 10 ngày sau Tết, nhờ sự hỗ trợ từ người dân, Viện đã tiếp nhận thêm gần 10.000 đơn vị máu, trong đó máu nhóm A chỉ có 1.200 đơn vị.
Con số này quá ít so với nhu cầu cung cấp 3.000 đơn vị máu/ngày cho các bệnh viện ở Hà Nội và TP.HCM, chưa kể các thành phố khác như Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ. Trước đây, trong ngân hàng máu của Bệnh viện Truyền máu Huyết học (TP.HCM) luôn có khoảng 8.000 - 10.000 đơn vị. Hiện lượng máu dự trữ chỉ còn 4.000 đơn vị, trong khi mỗi ngày cần cung cấp cho các bệnh viện ở miền Nam 1.000 đơn vị máu/ngày.
Trong bối cảnh số người nhập viện trên khắp thế giới tăng mạnh trong suốt gần 2 tháng qua vì dịch bệnh viêm phổi cấp COVID-19, tình hình khan hiếm máu đã được ghi nhận tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ và Hàn Quốc, gây ảnh hưởng lớn đến việc điều trị bệnh nhân mắc bệnh về máu và bệnh nhân cần phẫu thuật. Hội Chữ thập đỏ Mỹ đã phải kêu gọi người dân nước này hiến máu khẩn cấp trong bối cảnh nguồn dự trữ máu nhóm O ở Mỹ chỉ còn đủ cho 3 ngày và nguồn cung cấp các nhóm máu khác cũng đang cạn kiệt. Theo Hội Chữ thập đỏ Hàn Quốc, trong 20 ngày qua chỉ có chưa tới 90.000 người hiến máu, giảm 25% so với bình thường. Hiện Ngân hàng máu Hàn Quốc chỉ còn lượng máu dự trữ cho chưa đầy 4 ngày sử dụng.
Sau Tết Nguyên đán là thời điểm thường xảy ra tình trạng thiếu máu cho điều trị do kỳ nghỉ kéo dài. Năm nay, tình trạng khan hiếm nguồn cung máu càng trở nên trầm trọng hơn khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, kéo theo tâm lý e ngại đến chỗ tập trung đông người của những người có nguyện vọng hiến máu. Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã phát động chương trình kêu gọi người dân đủ điều kiện sức khỏe tham gia hiến máu, đặc biệt là nhóm máu O, A, và hiến tiểu cầu song song với việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Trước Tết, lượng máu do các trung tâm máu trên toàn quốc thu nhận được khá cao nhờ sự hỗ trợ tối đa của các tổ chức cùng sự tham gia nhiệt tình của nhiều người dân. Tuy nhiên, trước nỗi lo ngại về ảnh hưởng của dịch bệnh, sau tuần nghỉ Tết, nhiều lịch hiến máu đã được lên kế hoạch từ trước đã bị các đơn vị hoãn hoặc hủy, khiến lượng máu dự kiến tiếp nhận chỉ đạt vài chục đến vài trăm đơn vị mỗi ngày.
Để giải tỏa bớt nỗi lo của người hiến máu và đảm bảo công tác hiến máu diễn ra an toàn cho người dân, Bệnh viện Truyền máu - Huyết học Trung ương và Trung tâm hiến máu nhân đạo phối hợp với đơn vị tổ chức lựa chọn địa điểm hiến máu thoáng mát, rộng rãi, chia nhỏ nhiều khu vực hiến máu theo nhiều khung giờ khác nhau, đảm bảo khu vực lấy máu từ 20 - 50 người, cung cấp khẩu trang và nước rửa tay, hướng dẫn cách sử dụng đúng cách, đồng thời có bác sỹ thăm khám cho từng người hiến máu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!