Trong thông cáo phát ra ngày 11/3, Liên Hợp Quốc nhấn mạnh, phong trào này được phát động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế về sự cần thiết phải phối hợp toàn cầu để tất cả các nước có thể tiếp cận vaccine. Trong đó, những y, bác sĩ tuyến đầu và những người dễ bị tổn thương phải là những người được tiêm chủng đầu tiên.
Theo Liên Hợp Quốc, các nước có thể ủng hộ cung cấp vaccine bình đẳng thông qua việc chia sẻ nguồn vaccine thừa chưa dùng hết, chuyển giao công nghệ và tự nguyện bỏ qua quyền sở hữu trí tuệ, cho phép các nước khác sử dụng bản quyền vaccine.
Hiện 10 nước giàu đang sở hữu tới 80% các loại vaccine phòng COVID-19 và các nước này đều có kế hoạch sẽ tiêm chủng cho toàn bộ người dân trong vài tháng tới. Trong khi đó, các nước thu nhập thấp phải phụ thuộc nguồn cung vaccine thông qua COVAX, một cơ chế được khởi xướng nhằm hỗ trợ cung cấp vaccine cho các nước thu nhập thấp hơn.
Cần phải phối hợp toàn cầu để tất cả các nước có thể tiếp cận vaccine. (Ảnh: AP)
Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tới thời điểm này, thế giới có trên 119 triệu người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và hơn 2,6 triệu trường hợp thuộc 223 quốc gia khác nhau tử vong vì COVID-19.
Hiện toàn thế giới đã tiêm khoảng 320 triệu liều vaccine COVID-19. Theo đó, trung bình cứ 100 người thì có 3,2 mũi tiêm và sự chênh lệch giữa các quốc gia là rất lớn. Nếu tính trung bình, mới chỉ có 0,9% dân số toàn cầu đã được tiêm vaccine. Những người được tiêm chủ yếu là nhóm nhân viên y tế tuyến đầu và người cao tuổi, có bệnh lý nền. Mới chỉ có 2 quốc gia cho phép tiêm chủng cho tất cả đối tượng là Israel và Bulgaria.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!