“Mẹ ơi!” - Tiếng kêu cứu tuyệt vọng của George Floyd

Như Anh (CNN)-Thứ bảy, ngày 30/05/2020 05:43 GMT+7

VTV.vn - Trong video khiến hàng triệu người xem phẫn nộ, công dân Mỹ da màu George Floyd bị một cảnh sát dùng đầu gối ghì vào cổ. Trước khi tắt thở, George hét lên "Mama"- Mẹ ơi!

"Mama" là cách mà người Mỹ da màu thường dùng để gọi mẹ, nhất là khi còn nhỏ. Có lẽ với bất kỳ người mẹ nào, dù là màu da nào, khoảnh khắc không mong chờ nhất chính là khi chứng kiến con mình bị đau đớn mà không thể ôm con vào lòng.

Bà Christy Oglesby là một phóng viên kì cựu của kênh CNN và là một phụ nữ da màu. Khi đoạn video về George Floyd lan rộng, bà Oglesby - một người mẹ có con trai hơn 20 tuổi - cảm thấy nỗi đau như nhân đôi. Bà đã trải lòng trên một bài báo được CNN đăng tải.

“Mẹ ơi!” - Tiếng kêu cứu tuyệt vọng của George Floyd - Ảnh 1.

Phóng viên CNN Christy Oglesby và con trai

"Mama là một tiếng gọi ngọt ngào nhất trên đời đối với tôi. Tôi cảm thấy biết ơn vì được làm mẹ của một cậu con trai da màu. Drew, con trai tôi, là món quà quý giá nhất. Tôi đã chứng kiến nó lớn lên thành một chàng trai khoẻ mạnh, thông minh, du lịch khám phá khắp những vùng đất lạ, rồi lại quay về bên gia đình trong những dịp lễ ấm cúng.

Nên khi xem đoạn video về George Floyd, về những giây phút cuối cùng của cuộc đời Floyd, khi nghe anh ấy hét lên "Mama!" trong tuyệt vọng, nước mắt tôi đã trào ra. Floyd đã cầu xin những viên cảnh sát - một trong số đó đang ghì chân vào cổ anh ấy - rằng anh ấy không thở được. Những người đi đường đứng lại vì hiếu kỳ, một ai đó còn quay video. Mẹ ruột của Floyd đã qua đời từ lâu. Nhưng trong cơn tuyệt vọng cùng cực, tiếng "Mẹ" thân thương vẫn được thốt ra, như thể hy vọng rằng mẹ anh ấy, như khi còn sống, vẫn như mọi lần, sẽ xuất hiện và cứu đứa con trai của mình khỏi mọi nỗi đau đớn.

Dù là một đứa trẻ 3 tuổi, 12, 20, hay 46 tuổi như Floyd, "Mẹ" luôn là niềm hy vọng, là chiếc phao cứu sinh cuối cùng. Những đứa trẻ hét lên "Mama!" khi chúng vui mừng, tự hào, bị đe doạ hay bị đau. Và những người mẹ, dù ở bất cứ đâu, cũng sẽ xuất hiện một cách thần kỳ.

Con trai tôi gọi tôi bất cứ khi nào nó gặp rắc rối với cảnh sát chỉ vì nó là "người da màu." Khi một cảnh sát cứ bám đuôi, theo dõi nó trong một viện bảo tàng ở đại học Harvard. Tôi đã dạy con là đừng bao giờ cho tay vào túi quần, vì họ sẽ nghĩ con là một người da màu mang vũ khí. Thằng bé ăn mặc rất lịch sự với áo cashmere và quần Âu. Nhưng vị cảnh sát da trắng đó không quan tâm. Chắc cảnh sát nghĩ thanh niên da màu này sẽ đập vỡ kính và ăn trộm đồ trưng bày? Hay cho rằng con trai tôi sẽ có hành động đồi bại với một phụ nữ nào đó trong khu nhà vệ sinh?

Tôi có thể bảo vệ, dỗ dành con trong những trận ốm hoặc khi những cơn sấm chớp rung chuyển đất trời khiến con sợ hãi núp trong chăn. Nhưng tôi đã quá mệt mỏi với việc phải nơm nớp lo sợ con tôi sẽ trở thành cái tên tiếp theo: Ahmaud, Travis, Geogre và còn rất nhiều những người da màu khác là nạn nhân của bạo lực chủng tộc".

Sống trong sợ hãi

Một người mẹ da màu như bà Christy Oglesby phải làm gì đây? Phải khuyên dạy con cái mình thế nào để chúng không mất mạng một cách vô nghĩa?

Không tụ tập ở những nơi "đen tối": Lời khuyên này không hiệu quả đối với Breonna Taylor. Cô y sĩ da màu này đã bị bắn ít nhất 8 lần và thiệt mạng khi cảnh sát ập vào căn hộ nơi cô đang say ngủ. Cảnh sát nói rằng họ điều tra dấu vết của ma tuý nhưng cuối cùng không có ma tuý nào được tìm thấy. Breonna đã tử vong ngay trong nhà của mình.

Tránh đụng độ với người da trắng: Lời khuyên này không cứu nổi Ahmaud Arbery. Người đàn ông da màu này đang tập thể dục ở ngoại ô Georgia thì bị 2 người da trắng có mang súng đi xe tải đuổi theo và bắn chết. Hai người da trắng kia sau đó khai rằng họ nhìn nhầm Arbery với một đối tượng trộm cắp ở địa phương.

“Mẹ ơi!” - Tiếng kêu cứu tuyệt vọng của George Floyd - Ảnh 2.

Thanh niên da màu Walter Scott bỏ chạy trong cuộc đụng độ với cảnh sát vào năm 2015. Scott bị bắn chết. Viên cảnh sát nhận án tù 20 năm.

Đừng chống cự khi gặp cảnh sát: George Floyd, người đàn ông da màu 46 tuổi, không hề chống cự khi bị cảnh sát bắt theo như tư liệu camera đường phố ghi lại. Floyd đã bị ghì cổ xuống đường đến tắc thở trong tư thế bị còng tay.

Không phải người da trắng nào cũng đối xử bất công với người da màu. Bằng chứng là trong những cuộc biểu tình đỏ lửa đang diễn ra tại nơi George Floyd sinh sống, có rất nhiều người da trắng giương cao những khẩu hiệu phẫn nộ. 

Nhưng tại Mỹ, tình trạng bạo lực dâng cao nhắm vào người da màu là một sự thật không thể chối bỏ. Cho tới lúc này, mọi cuộc thảo luận đều chỉ xoay quanh việc người da màu nên "nằm im thở khẽ" ra sao khi gặp cảnh sát. Đã tới lúc, chính giới chức và cảnh sát Mỹ - những lực lượng có trách nhiệm bảo vệ công dân - phải đối mặt với những chất vấn từ chính những người dân là nạn nhân của bạo lực cảnh sát.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước