Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở, khoét sâu căng thẳng quan hệ Nga - Mỹ?

Thế giới hôm nay-Thứ ba, ngày 24/11/2020 06:00 GMT+7

VTV.vn - Số phận của Hiệp ước Bầu trời Mở có tuổi đời gần 30 năm đã được định đoạt khi ngày 22/11, Mỹ thông báo chính thức rút khỏi Hiệp ước này.

Quyết định sẽ tác động rất lớn tới vấn đề minh bạch quân sự trên toàn cầu và đặc biệt là khoét sâu thêm căng thẳng trong mối quan hệ Nga - Mỹ. Thông báo của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, nước này không còn là một bên tham gia ký kết Hiệp ước Bầu trời Mở kể từ ngày 22/11.

Hiệp ước Bầu trời Mở được Mỹ, Nga và một số quốc gia châu Âu ký năm 1992, có hiệu lực năm 2002, nhằm thúc đẩy tính minh bạch về hoạt động quân sự. Theo hiệp ước này, 35 quốc gia thành viên được tiến hành các chuyến bay giám sát trên không phận của nhau, nhưng phải thông báo trước 72 tiếng để nước chủ nhà có thời gian phản hồi. Hiệp định này được đánh giá là một thành tố quan trọng của cấu trúc an ninh chung giữa Phương Tây và Nga cũng như của công cuộc giải trừ quân bị và ngăn ngừa xung đột hạt nhân.

Quyết định rút khỏi Hiệp ước được Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra sau nhiều tháng đánh giá, trong đó Washington cáo buộc Moscow liên tục vi phạm thỏa thuận như ngăn cản chuyến bay của Mỹ ở vùng lãnh thổ Kaliningrad, một khu vực giữa Ba Lan và Litva, nơi quân đội Nga hiện diện mạnh mẽ.

Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở, khoét sâu căng thẳng quan hệ Nga - Mỹ? - Ảnh 1.

Tổng thống Putin cho rằng Nga "phải nhất trí quan điểm" về việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở. Nguồn: Getty

"Nga đã không tuân thủ Hiệp ước. Gọi là một Hiệp ước mà một bên lại không tuân thủ. Nước Mỹ có rất nhiều thỏa thuận mà bên kia không tuân thủ, chỉ chúng ta tuân thủ thì chúng ta sẽ rút khỏi nó", Tổng thống Mỹ Donald Trump nói.

Nga đã phủ nhận các cáo buộc trên. Nhưng đó không phải là lý do duy nhất cho quyết định của phía Mỹ. Một thỏa thuận gần 30 năm cũng có những khiếm khuyết. Thực ra, cả Mỹ và Nga hiện tại đều không còn quá lệ thuộc vào kết quả các chuyến bay trinh sát trong khuôn khổ Hiệp ước Bầu trời Mở vì đều đã có mạng lưới vệ tinh hiện đại. Lầu Năm Góc khẳng định, quân đội Mỹ vẫn dự định chia sẻ dữ liệu tình báo và trinh sát từ các vệ tinh với đồng minh NATO nhằm bù đắp khoảng trống thông tin sau khi Washington rút khỏi hiệp ước Bầu trời Mở.

Tuy nhiên, điều đáng nói là Hiệp ước này vẫn đóng vai trò biểu tượng cho lòng tin lẫn nhau. Mà không gây dựng, củng cố và tăng cường lòng tin lẫn nhau thì không thể có được hiệu ứng thực chất trong quá trình kiểm soát vũ trang, giải trừ quân bị và giải trừ vũ khí hạt nhân.

Mỹ nhiều khả năng sẽ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở Mỹ nhiều khả năng sẽ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở

VTV.vn - Ngày 28/10, tờ Nhật báo Phố Wall dẫn lời 2 quan chức Mỹ cho biết, Tổng thống Donald Trump đã ký văn kiện về việc Mỹ dự định rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước