Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg. (Ảnh: AP)
Lời kêu gọi của Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg được đưa ra trong bối cảnh tất cả các cơ chế kiểm soát vũ khí chính đã không còn tồn tại.
Theo người đứng đầu NATO, sau quyết định của Nga rút khỏi Hiệp ước Kiểm soát các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE), nước này đã rút khỏi mọi hiệp ước kiểm soát vũ khí quan trọng. Theo đó, tất cả các cơ chế kiểm soát vũ khí chính hiện không còn tồn tại. Vì vậy, NATO cần phải mạnh mẽ hơn.
NATO chỉ trích Nga rút khỏi Hiệp ước CFE, tuyên bố liên minh quân sự cũng sẽ đình chỉ thỏa thuận này.
"Các nước đồng minh chỉ trích Nga rút khỏi Hiệp ước các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE) và chiến dịch của nước này ở Ukraine, điều đi ngược lại với mục tiêu của hiệp ước", NATO cho biết. "Nga rút khỏi CFE là động thái mới nhất trong loạt hành động đang làm xói mòn an ninh khu vực châu Âu - Đại Tây Dương một cách có hệ thống".
Theo NATO, các nước thành viên liên minh quyết định đình chỉ CFE trong thời gian cần thiết, theo đúng quyền của họ trong luật pháp quốc tế. "Đây là quyết định đã được toàn bộ thành viên NATO ủng hộ", liên minh quân sự cho biết thêm.
Mỹ thông báo, nước này sẽ đình chỉ CFE từ ngày 7/11. Cố vấn an ninh Nhà Trắng Jake Sullivan nói, việc Nga rút khỏi CFE và xung đột Nga - Ukraine đã thay đổi bối cảnh liên quan hiệp ước và nghĩa vụ của các bên liên quan. Mỹ và đồng minh vẫn giữ cam kết kiểm soát hiệu quả các vũ khí thông thường.
CFE được ký vào năm 1990 giữa NATO và các quốc gia Khối Hiệp ước Warsaw nhằm thiết lập thế cân bằng quân sự, giới hạn số lượng xe tăng và thiết giáp, pháo, trực thăng và chiến đấu cơ đóng quân tại châu Âu, tránh các bên tập trung lực lượng quy mô lớn để tấn công chớp nhoáng.
Nga đã đình chỉ CFE từ năm 2007, cáo buộc các thành viên NATO nhiều lần vi phạm hiệp ước và không phê chuẩn phiên bản cập nhật vào năm 1999.
Trước đó, hồi tháng 2/2023, Nga cũng đã đình chỉ tham gia Hiệp ước Hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (New START), văn bản cuối cùng quy định số lượng vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Nga.
Ngoài ra, Hiệp ước loại bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF) cũng đã trở nên “vô hiệu” khi thiếu vắng sự tham gia của Moscow.
Những động thái trên diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và châu Âu đã trở nên căng thẳng, đặc biệt kể từ khi bùng phát cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine từ cuối tháng 2/2022.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!