Bãi biển ở Chittagong được ví như "nghĩa địa của những con tàu cũ" (Ảnh: Getty Images)
Khu vực này vốn là khu vực tái chế những tàu thuyền hỏng để lấy thép ở bãi biển ở Chittagong. Nhưng cũng chính tại đây, 25.000 lao động phải làm việc trong điều kiện dễ thương tích, mất mạng do tình trạng ô nhiễm trầm trọng.
Tại khu vực phía Bắc Chittagong, Bangladesh - một trong những thành phố cảng phát triển nhanh nhất thế giới, có một nơi gọi là "nghĩa địa tàu thuyền". Mặt đất ở đây luôn lầy lội, người lao động phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt vô cùng. Phá dỡ các xác tàu đồng nghĩa là họ có thể phải đối mặt với những vụ nổ tự phát, tai nạn lao động và nhiễm chất độc hại.
Ở đây có rất nhiều chất độc hại như amiăng, khói dầu, hóa chất.
Nghĩa địa tàu thuyền nằm trên bãi biển dài 20km. Nó được chia thành hàng chục các bãi phá tàu, nhà máy cán thép khác nhau. Những xác tàu chủ yếu được gửi đến từ các công ty ở châu Âu, Đông và Đông Nam Á.
Bà Julia Bleckner - nhà nghiên cứu Bangladesh - cho biết: "Khi bạn cố cập cảng một con tàu đã cũ kỹ và nó sẽ bị vỡ, có nghĩa là chất thải độc hại đang xả trực tiếp ra nước biển và cát. Chất độc hại từ các con tàu chết đã đầu độc môi trường, xâm nhập vào những cánh đồng. Gần các bãi phá dỡ mọc lên hàng trăm cửa hiệu nhỏ, bán những chiếc bếp làm từ các mảnh amiăng - một chất nếu tiếp xúc nhiều sẽ làm tăng nguy cơ ung thư".
"Nghĩa địa của những con tàu cũ" là nơi hàng nghìn lao động phải làm việc trong điều kiện dễ thương tích, mất mạng do tình trạng ô nhiễm trầm trọng (Ảnh: Atlas Obscura)
Thực tế, tháo dỡ tàu an toàn cho cả con người và môi trường thì luôn có cách nhưng tốn tiền, phải trả lương cao và có thiết bị bảo hộ, xử lý vật liệu độc hại nên để tiết kiệm chi phí, các chủ tàu đã lờ những tiêu chuẩn này. Chittagong không kén chọn nhân công, miễn chịu đựng được điều kiện làm việc cực khổ, lương thấp thì đều được nhận. Trung bình mỗi năm, khu vực phá tàu này đóng góp 2 tỷ USD cho nền kinh tế Bangladesh.
Công ước Basel quy định chất thải độc hại từ các nước thuộc liên minh châu Âu hoặc OECD không được phép chuyển sang bất kỳ nước nào khác. Để lách luật, các công ty chẳng hề khai tàu của họ bản chất là rác thải khi rời cảng. Liên minh châu Âu thậm chí còn đưa ra quy định các tàu treo cờ của khối buộc phải được tái chế tại cơ sở được EU phê duyệt, thì chủ tàu tìm cách "mua cờ" của nước khác là xong - tất nhiên những điều này hoàn toàn bất hợp pháp.
Quay trở lại với vấn đề ở Bangladesh, chính phủ nước này đã đưa ra một số phán quyết về các tiêu chuẩn lao động và môi trường trong ngành phá dỡ tàu, nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều kẽ hở.
Bà Syeda Rizwana Hasan - Luật sư môi trường, Bangladesh - cho hay: "Chính phủ đã chỉ định một số đại lý kiểm tra mức độ an toàn. Trong hầu hết các trường hợp, họ không có chuyên môn kỹ thuật và còn là người nhà của công nhân phá tàu. Vì vậy, nếu chỉ nhìn trên giấy tờ thì không thể đảm bảo an toàn được".
Bài học đơn giản nhất từ châu Âu mà chính phủ Bangladesh có thể áp dụng được ngay đó là quy trách nhiệm cho chủ sở hữu ban đầu, đồng nghĩa chủ tàu không thể làm giả giấy tờ để lách luật. Ngoài ra, chủ tàu cũng sẽ phải đóng một khoản tiền cọc và chỉ được nhận lại sau khi tàu được phá dỡ ở những bãi đủ an toàn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!