Nghiên cứu của Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore theo dõi 48 thành phố qua hình ảnh vệ tinh trong giai đoạn từ 2014 đến 2020 cho thấy mức lún trung bình là 16 mm mỗi năm, trong đó một số thành phố lún đến 43mm. Hiện tượng sụt lún ở các thành phố trên không phải là hậu quả của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên nghiên cứu nhấn mạnh, cần đánh giá thêm các hậu quả trong trường hợp hiện tượng sụt lún kết hợp cùng với các tác động từ nước biển dâng cao.
Nguyên nhân hiện tượng sụt lún đô thị
Một nghiên cứu đo độ sụt lún của 99 thành phố trong giai đoạn 2015-2020 cho thấy, những thành phố sau nằm trong nhóm 10 thành phố đang lún nhanh nhất thế giới. Đứng đầu là thành phố Thiên Tân, Trung Quốc lún với tốc độ 5,2 cm mỗi năm Jakarta, Indonesia, khoảng 3,4 cm mỗi năm, TP. Hồ Chí Minh lún ở mức 2,8 cm. Kobe, Nhật Bản và Houston, Mỹ cũng nằm trong nhóm này.
Nhiều năm trở lại đây, thành phố Jakarta, một siêu đô thị với 10 triệu dân luôn nằm trong nhóm các thành phố lún nhanh nhất thế giới. Trung bình thành phố lún khoảng 3,4 cm mỗi năm. Tuy nhiên theo BBC, cá biệt có những khu vực ở miền Bắc Jakarta lún với tốc độ 25 cm. Điều này khiến Jakarta trở thành một trong những đô thị chìm nhanh nhất trên thế giới.
Để dễ hình dung, từ năm 1970 đến nay, có những khu vực ở Jakarta đã lún tới 4m. Đây là mức sụt lún rất khủng khiếp. Biểu đồ mô phỏng của các nhà nghiên cứu đến từ Học viện Công nghệ Bandung, Indonesia cho thấy, với tốc độ sụt lún như hiện tại thì đến năm 2050, 95% thành phố sẽ chìm dưới mực nước biển, trong đó nhiều khu vực chìm sâu tới 5 mét dưới mức nước biển.
Vậy tại sao hiện tượng sụt lún lại xảy ra ở các đô thị? Việc khai thác nước ngầm quá mức là thủ phạm hàng đầu gây ra tình trạng sụt lún ở các thành phố lớn. Khi nước ngầm được hút lên, mặt đất phía trên sẽ lún xuống. Điều này khiến cho những ngôi nhà trên nền đất cũng lún theo.
Nền đất yếu dần đi, trong khi đó quá trình đô thị hóa, dân cư đổ về đông, làm gia tăng hoạt động xây dựng các công trình cao tầng, điều này càng khiến đất sụt lún nhanh hơn.
Đất sụt xuống, nước biển thì dâng lên cùng với các trận mưa lũ xảy ra ngày càng thường xuyên và trầm trọng hơn, khiến cho cuộc sống của người dân những thành phố này thực sự khó khăn.
Cận cảnh cuộc sống ở các thành phố đang chìm
Lần cuối cùng người dân cầu nguyện tại nhà thờ Hồi giáo Waladuna ở khu dân cư Muara Baru, phía Bắc thủ đô Jakarta, Indonesia, đã cách đây hơn 20 năm. Giờ đây, khi thủy triều dâng, các lối đi dẫn đến nhà thờ đều ngập trong nước, là bằng chứng rõ nét về việc Jakarta đang chìm dần. Người dân sống ở khu vực này buộc phải thích nghi bằng các biện pháp như tôn nền nhà.
Tương tự, tại phía bắc thủ đô Manila, Philippines, khi bà Mary Ann San Jose chuyển đến làng Sitio Pariahan hơn hai thập kỷ trước, bà có thể đi bộ đến nhà nguyện địa phương. Nhưng ngày nay, việc này đã thành bất khả, để đến được đây chỉ có cách dùng thuyền. Cứ mỗi năm, ngôi làng này lại sụt lún khoảng 4-6cm.
Bà Mary Ann San Jose - Làng Sitio Pariahan, Philippines nói: "Năm nào chúng tôi cũng phải tôn nền nhà, giờ đầu tôi sắp chạm vào trần nhà rồi".
Tình trạng sụt lún đã khiến nhiều gia đình phải di dời, giờ ở Sitio Pariahan chỉ còn thưa thớt người dân sinh sống. Trước đây, trong làng cũng có trường tiểu học nhưng giờ cũng ngập nước. Lũ trẻ phải đi thuyền 20 phút để đến trường học trong đất liền, hầu hết cư dân kiếm sống bằng nghề đánh cá.
Liên Hợp Quốc ước tính, mực nước biển dâng trung bình trên toàn cầu là khoảng 3 mm mỗi năm. Cùng với tình trạng khai thác nước ngầm quá mức, vấn đề các thành phố sụt lún đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, đẩy cuộc sống người dân những khu vực bị ảnh hưởng vào tình cảnh đáng lo ngại. Nhiều nhà khoa học đã dùng đến từ thảm họa để nói về tình trạng này: một thảm họa khởi phát chậm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!