An ninh biển khu vực châu Á năm 2014: Một năm sóng gió

Theo Toàn cảnh thế giới (VTV)-Chủ nhật, ngày 28/12/2014 20:17 GMT+7

Chương trình "Toàn cảnh thế giới" cuối năm đề cập tới an ninh châu Á 2014

Năm 2014, bầu không khí lo ngại bao trùm biển Đông Á với những căng thẳng trên biển và trên không phận thuộc vùng biển có tranh chấp.

Tại Biển Hoa Đông, Trung Quốc duy trì vùng nhận diện phòng không thiết lập từ năm 2013. Hai bên Trung Quốc và Nhật Bản đều đã có sự chạm trán trên vùng trời, vùng biển có tranh chấp.

Trong khi đó, ở Biển Đông, từ ngày 02/5 - 15/7/2014, Trung Quốc đã tiến hành hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Một số lượng lớn tàu hộ tống, trong đó có tàu quân sự chủ động cản trở hoạt động của các lực lượng thực thi pháp luật và của ngư dân Việt Nam, gây nên tình hình căng thẳng tại Biển Đông.

Đánh giá về tình hình khu vực biển Đông Á nói riêng và khu vực châu Á nói chung trong năm 2014, TS. Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Ngoại giao khẳng định - “Sự tranh chấp trên biển tại khu vực trong vài năm gần đây đang trở nên gay gắt hơn bao giờ hết”.

Ông Trần Việt Thái - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược - Bộ Ngoại giao

Ông Trần Việt Thái - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược - Bộ Ngoại giao

“Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng tình trạng gay gắt trong sự tranh chấp này. Tuy nhiên, nguyên nhân xuyên suốt và bao trùm hơn cả vẫn là sự trỗi dậy của Trung Quốc. Mục đích của họ là vươn lên số một thế giới, trở thành cường quốc về biển. Và để là được điều đó, họ buộc phải đi qua hai cửa ngõ là Biển Hoa Đông và Biển Đông”, ông Trần Việt Thái phân tích.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc hiện có nguy cơ tạo ra sự thay đổi cân bằng lực lượng ở khu vực. Nếu nó phá vỡ cân bằng của khu vực thì buộc các nước lớn, vừa và nhỏ ở khu vực phải có sự điều chỉnh về chính sách. Trong đó, theo ông Trần Việt Thái, Nhật Bản và Ấn Độ là hai quốc gia có sự điều chỉnh nhiều nhất về chính sách, đặc biệt là chính sách đối ngoại ở năm 2014.

Bên cạnh đó, trước hiện trạng mối quan hệ quốc tế tại khu vực châu Á ở thời điểm này, ông Trần Việt Thái cũng đưa ra những dự đoán cho năm mới 2015.

“Năm 2014 được coi là một năm rất quan trọng, đánh dấu sự chuyển dịch sức mạnh đáng kể giữa các nước lớn. Chúng ta đang ở trong thời điểm trật tự quốc tế khu vực Thái Bình Dương trong quá trình thay đổi. Sự thay đổi này diễn biến nhanh chóng hơn cả những dự báo đã có từ trước tới nay. Do vậy, chúng tôi lo ngại rằng thời gian tới, đặc biệt là trong năm 2015 cho tới 2020, có thể một trật tự mới sẽ được sắp xếp lại. Nó đặt ra cho chúng ta nhiều vấn đề”, ông Việt Thái cho biết.

Tình hình an ninh khu vực châu Á đang đứng trước những thay đổi to lớn khi các yếu tố tạo nên cấu trúc an ninh khu vực đang có những bước chuyển mạnh mẽ, trong đó sự trỗi dậy của Trung Quốc đóng một vai trò trung tâm. Những biến động chính trị tại khu vực này đang thúc đẩy các quốc gia phải theo đuổi chính sách tăng cường sức mạnh quốc gia trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là quốc phòng và đối ngoại.

Ngoài ra, chính sách đối ngoại cũng được các nước điều chỉnh theo hướng thực dụng hơn, đặt lợi ích quốc gia lên ưu tiên hàng đầu. Những điều chỉnh này có thể đem lại những tác động tích cực, nhưng cũng có thể gây ra những tác động xấu tới tình hình an ninh khu vực, nếu như những thay đổi đó không được thực hiện trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đóng góp tích cực cho môi trường an ninh khu vực và toàn cầu.

Để tìm hiểu kỹ hơn vấn đề này, mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình Toàn cảnh thế giới qua video dưới đây:

An ninh biển khu vực Đông Á

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước