Những thiên thần không còn bay cùng chim sắt

Nguyễn Mai-Thứ hai, ngày 22/06/2020 05:54 GMT+7

VTV.vn - Khi ngành hàng không gần như bị tê liệt vì dịch COVID-19, các phi hành đoàn cũng buộc phải tạm xa bầu trời xanh.

"Những thiên thần cưỡi chim sắt" là một cách gọi khác dành cho những tiếp viên hàng khôngphi hành đoàn trên các chuyến bay. Điều khiển một chiếc máy bay 450 triệu đô la đã từng là một công việc mơ ước, và không thiếu cơ hội cho bất kỳ ai trên thế giới. Năm ngoái, Công ty Boeing đã ước tính rằng các hãng hàng không sẽ cần thêm 800.000 phi công trong 20 năm tới để thúc đẩy sự bùng nổ du lịch, mà dẫn đầu là các quốc gia châu Á. Một số hãng vận tải ở Trung Quốc thậm chí đã đưa ra mức lương hơn 300.000 đô la một năm, cộng với các đặc quyền, để thu hút đội ngũ lão luyện trong ngành hàng không.

Nhưng kể từ khi COVID-19 bắt đầu lan rộng và các quốc gia tạm ngừng các chuyến bay quốc tế đã khiến 51% người lao động trong ngành hàng không bị ảnh hưởng ngay lập tức. Bloomberg cho hay, khoảng một tỷ lao động trong ngành hàng không – bao gồm phi công, tiếp viên hàng không, kỹ sư bảo trì máy, nhân viên mặt đất đều buộc phải tìm một công việc tạm thời nếu không muốn trở thành người vô gia cư trong thời điểm này.

Chris Riggins, một phi công của Delta Air Lines Inc. đồng thời cũng là người phát ngôn của Hiệp hội Phi công Hàng không cho biết, họ sẵn sàng làm bất cứ công việc gì để giải quyết vấn đề tài chính khi phải tạm nghỉ việc do COVID-19. Trên thực tế, một số người đã bắt đầu làm việc tại các siêu thị, những người khác xin được công việc bán thời gian tại các công ty bán hàng qua điện thoại, làm tài xế xe tải hoặc làm việc trong lĩnh vực tài chính.

Những thiên thần không còn bay cùng chim sắt - Ảnh 1.

Richard Garner, phi công của Qantas Airways Ltd. (Ảnh: Bloomberg)

Hai năm trước, Richard Garner, phi công của Qantas Airways Ltd. đã thành lập một công ty để cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính và sắp xếp các khoản vay cho nhân viên hàng không. Anh không bao giờ nghĩ rằng "nghề tay trái" này lại có ngày trở thành công việc chính của mình. Vào một ngày nọ, hãng Qantas Airways đã cho nghỉ việc hai phần ba trong số 30.000 nhân viên của họ, bao gồm cả anh Garner 43 tuổi.

Các chuyến bay trên toàn cầu đã giảm hơn hai phần ba so với thời điểm này năm ngoái, theo phân tích của OAG Aviation Worldwide Ltd. Số chuyến bay ở Tây Âu, Mỹ Latinh và Nam Á ít hơn 70% so với trước khi dịch bùng phát.

Tiếp viên hàng không trở về làm điều dưỡng viên

Những thiên thần không còn bay cùng chim sắt - Ảnh 2.

Cô Suzi đã gắn bó với nghề tiếp viên hàng không được 30 năm - Ảnh: ABCnet

Dave Fielding, một cơ trưởng 53 tuổi của British Airways, gắn bó với hãng hàng không này từ năm 1993 cũng đã phải tạm biệt buồng lái. Hiện anh và một số đồng nghiệp đã làm việc tại phòng chờ trong bệnh viện để hỗ trợ nhân viên y tế tuyến đầu, cũng như phục vụ họ trà, cà phê và đồ ăn nhẹ. Dự án Wingman, như tên gọi của nó, đã mang hơn 5.000 tình nguyện viên là phi hành đoàn đến làm việc tại hơn 50 bệnh viện tại Anh.

Khoảng một tháng nay, cô Suzi Hannan đã không còn làm công việc tiếp viên cho hãng Qantas Airlines nữa. Nghỉ việc đối với cô là một cú sốc.

Nhớ ra rằng mình được đào tạo như một y tá vào thời điểm cô bắt đầu công việc tại Qantas Airlines cách đây 30 năm, cô Suzi đã xin vào làm trợ lý điều dưỡng tại trung tâm điều trị ung thư Chris O'Brien Lifehouse tại Australia và nhận ra niềm đam mê của cô với nghề này.

Những thiên thần không còn bay cùng chim sắt - Ảnh 3.

Cô Suzi đang làm nhiệm vụ y tá tại một bệnh viện sau khi thôi nghề tiếp viên hàng không - Ảnh ABCnet

"Tôi chỉ cảm thấy như mình đã trở về nhà. Tôi cảm thấy như đây là sứ mệnh của mình", cô nói. "Tôi đã từng muốn trở thành một y tá từ khi 7 tuổi".

Hiện cô đang tận hưởng công việc mới với tư cách là một y tá và dự định làm việc bán thời gian cho hãng hàng không Qantas Airlines khi các chuyến bay được nối lại.

"Cho dù đang ở trên máy bay hay trong bệnh viện, tôi nghĩ rằng phải luôn giữ được bình tĩnh, hiểu biết, chu đáo để có thể giúp đỡ được các bệnh nhân cũng như hành khách của mình".

Nhưng không phải ai cũng may mắn tìm được nghề đúng sở trường như cô Suzi.

Đổi nghề cũng không dễ

Những thiên thần không còn bay cùng chim sắt - Ảnh 4.

Cựu tiếp viên hàng không nộp đơn làm vũ công trong các câu lạc bộ - Ảnh : New Zealand Herald

Các hãng hàng không đang yêu cầu những nhân viên của họ hãy tận dụng các kỹ năng hàng không để làm những ngành nghề khác, hoặc là tự nguyện điền đơn xin nghỉ hưu sớm để nhận một phần trợ cấp. Nhưng không phải ai muốn đổi nghề cũng được thuận tiện.

Một phi công từng lái chiếc Boeing 737 giờ đang chật vật với công việc xếp hàng trên các kệ siêu thị ở Australia, chỉ vì vẫn còn khoản nợ 70 nghìn đô la phải trả. Một phi công khác từng lái máy bay Airbus A320 thì buộc phải viết chương trình bảo mật máy tính, mà tiền công anh kiếm trong cả tuần chỉ bằng số tiền anh "đi bay" nửa ngày. Một phi công khác lại cặm cụi lắp đặt và sửa chữa bể bơi.

Tờ New Zealand Herald cho biết, kể từ tháng 4, Air New Zealand xác nhận gần 1500 thành viên phi hành đoàn phải đối mặt với tình trạng mất việc làm. Tờ báo này cũng tiết lộ rằng một số cựu tiếp viên đã gia nhập câu lạc bộ thoát y để kiếm tiền chi trả hóa đơn hàng tháng.

Calendar Girls, một câu lạc bộ người lớn có hai chi nhánh ở thành phố Christchurch, bang Wellington ở Karangahape, bang Auckland đã bị "ngập trong đơn xin việc" từ các cựu tiếp viên hàng không. Quản lý câu lạc bộ cho biết, họ nhận được khoảng 10-15 đơn xin việc mỗi ngày.

Tờ New Zealand Herald cho biết những câu lạc bộ người lớn ở nước này khá phổ biến. Ngoài việc biểu diễn ở câu lạc bộ, họ còn được nhận tiền boa từ các khách hàng. Trong trường hợp các câu lạc bộ buộc phải đóng cửa do quy định giãn cách xã hội, thì những cựu tiếp viên này vẫn có thể biểu diễn trên trang web trực tuyến của câu lạc bộ. Theo người quản lý, các "thiên thần" hoàn toàn có thể kiếm vài trăm đô la mỗi ngày. Khoản tiền này có thể bù lại số lương mà các nữ tiếp viên bị cắt giảm. Nhưng giới chức New Zealand lo ngại rằng, các nữ tiếp viên dễ dàng bị lôi kéo vào dường dây bán dâm trá hình.

Câu chuyện của các tiếp viên hàng không và phi công chỉ là một góc nhỏ trong cuộc khủng hoảng hàng không trên thế giới. Các chuyên gia lo ngại rằng sa thải hàng loạt có thể làm chảy máu chất xám và làm mất những nhân viên tay nghề cao khỏi ngành. Khi họ đã tìm kiếm việc làm mới, bắt đầu công việc kinh doanh khác hoặc nghỉ hưu sớm, họ sẽ sớm rời khỏi các công ty ở Mỹ, Anh hay Pháp - những trung tâm hàng không lớn. Và điều đó sẽ tạo ra lỗ hổng lâu dài trong ngành hàng không./.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước