Nóng bỏng cuộc đua tiêm chủng vaccine COVID-19 trên toàn cầu

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 07/02/2021 15:33 GMT+7

VTV.vn - Cuộc chiến của cả thế giới với COVID-19 vẫn đang phải tiếp diễn trong những ngày tháng đầu năm 2021.

Cuộc đua tiêm chủng

Các chương trình tiêm chủng đầu tiên trên thế giới đã bắt đầu đi được một phần chặng đường. Những kinh nghiệm đầu tiên cũng đã có thể quan sát được để các nước khác có những đánh giá và thực hiện phù hợp với điều kiện của mình.

Hiện nay có 7 loại vaccine đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp phổ biến ở nhiều quốc gia. Tuy hầu hết chưa được bình duyệt, tức là chưa được các nhà khoa học khác thẩm định, nhưng kết quả này đã được WHO chấp thuận và cho lưu hành.

Nóng bỏng cuộc đua tiêm chủng vaccine COVID-19 trên toàn cầu - Ảnh 1.

Để có thể ngăn ngừa đại dịch, dân số phải được tiêm vaccine nhằm có đủ miễn dịch để virus không thể lây lan

Anh là quốc gia đầu tiên trên thế giới bắt đầu tiêm chủng vaccine COVID-19 cho người dân, vào đầu tháng 12 năm ngoái. Tiếp sau đó là các quốc gia khác trong Liên minh châu Âu, Mỹ, Canada, Israel, UAE, Singapore…

Hiện toàn bộ mới chỉ tiêm cho những đối tượng ưu tiên, là nhân viên y tế và những người già, cùng người có bệnh lý nền. Tuy nhiên, để có được sự bảo vệ trước virus SARS-CoV-2 thì phải có "miễn dịch cộng đồng", tức là dân số phải có đủ miễn dịch để virus không thể lây lan. Lý tưởng ở đây là khoảng 70% dân số phải được tiêm vaccine. Ước tính tới tháng 4 này, nhiều quốc gia mới bắt đầu tiêm chủng diện rộng cho các đối tượng đại trà, ngoài nhóm ưu tiên.

Israel đang dẫn đầu với trung bình 55 liều trên 100 dân. Anh cũng là quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng tương đối tốt hiện nay. Tỷ lệ này còn thấp hơn nhiều ở các nước đang phát triển.

Nhìn về tổng thể, chương trình tiêm chủng toàn cầu đang chạy đua với thời gian. Đánh giá chung là ít nhất phải đến giữa năm, các công việc mới hoàn thành cơ bản bước đầu.

Mỹ ứng phó với vấn đề nguồn cung vaccine

Theo thống kê, các nước giàu đang đặt mua hết khoảng 80% nguồn cung vaccine của các hãng dược phẩm cho ra thị trường, đặt các nước đang phát triển vào thế khó, phải chạy đua để có 18 - 20% thị phần còn lại. Riêng tại Mỹ, chính quyền có các biện pháp buộc các công ty sản xuất vaccine phải ưu tiên các đơn hàng của Mỹ.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng đã tính đến phương án thiếu nguồn cung vaccine mà nguyên nhân chủ yếu là các hãng dược phẩm thiếu nguyên liệu thiết yếu đầu vào cho việc điều chế vaccine. Để giải quyết vấn đề này, Mỹ chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường chuẩn bị sẵn các nguyên liệu đầu vào đồng thời ký hợp đồng tăng số lượng đơn hàng với các công ty dược phẩm như BioNtech, Moderna từ 400 triệu lên 600 triệu liều vào cuối tháng 7.

Nóng bỏng cuộc đua tiêm chủng vaccine COVID-19 trên toàn cầu - Ảnh 2.

Ông Joe Biden từng công khai tiêm phòng COVID-19 nhằm khuyến khích người dân tin dùng vaccine

Thậm chí chính quyền còn cân nhắc phương án kích hoạt đạo luật sản xuất quốc phòng, theo đó, chính quyền sẽ được ưu tiên để mua vaccine của các công ty của Mỹ. Ngoài ra, Mỹ cũng khuyến khích các hãng dược phẩm nghiên cứu, thử nghiệm cho ra các loại vaccine mới điều trị COVID-19. Việc này để tăng nguồn cung vaccine cần thiết đối phó với nguy cơ sớm bùng phát dịch trở lại với các biến thể virus mới.

Tốc độ tiêm phòng vaccine tại Mỹ đang chậm so với mục tiêu trước đó đề ra. Hiện có khoảng dưới 10% dân số Mỹ được tiêm. Trong khi để nước Mỹ trở lại bình thước, ước tính phải có từ 70 - 85% người dân được tiêm phòng.

Chính quyền đang đẩy nhanh việc tiêm phòng. Theo đó, các vấn đề cần lưu ý là chuẩn bị đủ nguồn cung vaccine cần thiết; mở rộng các cơ sở tiêm chủng; đào tạo thêm đội ngũ y tá phục vụ công tác tiêm phòng. Trong tuần này, Mỹ triển khai kế hoạch chuyển hàng triệu liều vaccine cho hàng chục nghìn nhà thuốc bán lẻ trên khắp cả nước để người dân tiếp cận nhanh hơn với vaccine. Tại một số bang, chính quyền đã chuyển đổi các sân vận động thành các cơ sở tiêm phòng.

Hiện nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 1,3 triệu liều vaccine được tiêm. Mục tiêu trong tuần tới sẽ lên 1,5 triệu liều/ngày. Bên cạnh đó, Mỹ khuyến khích và mở rộng nguồn cung vaccine. Ngoài vaccine của hãng BioNtech và Morderna, dự kiến vaccine của hãng Johnson&Johnson cũng sẽ được Mỹ cấp phép sử dụng khẩn cấp trong tuần tới.

Bác sĩ Fauci - chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Mỹ - đánh giá, với chủng virus biến thể mới đang lan nhanh tại Mỹ thì việc tiêm phòng vaccine cho người dân càng nhanh càng tốt. Đây được coi là một giải pháp hiệu quả giúp ngăn đà lây lan của dịch bệnh. Với các biến thể mới này, tốc độ lây lan được đánh giá nhanh hơn 50% và gây nguy cơ tử vong cao hơn 30%. Biến thể cũng làm tăng nguy cơ tái nhiễm của những người đã từng bị COVID-19.

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cảnh báo, biến thể virus mới có thể bao trùm, lây lan khắp nước Mỹ trong tháng 3. Mỹ cũng đã chuẩn bị cho kịch bản gia tăng đột biến các ca nhiễm mới trong thời gian tới. Theo đó, các biện pháp chính quyền đưa ra gồm thúc đẩy nguồn lực cho các bệnh viện, cơ sở y tế và đẩy nhanh chiến dịch tiêm phòng vaccine. Đồng thời Mỹ cũng tăng cường kiểm soát chặt chẽ các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, quy định về cách ly, giãn cách.

Anh bảo vệ chương trình tiêm chủng

Trước làn sóng hàng loạt quốc gia châu Âu cho rằng vaccine của Astrazeneca và Đại học Oxford ít tác dụng với nhóm người trên 65 tuổi, các nhà khoa học Anh đã phải lên tiếng bác bỏ nhận định này dựa trên các báo cáo khoa học. Trong khi đó, chính phủ Anh cũng đang quyết liệt bảo vệ và theo đuổi chương trình tiêm chủng hiện tại của mình, sử dụng chủ yếu là vaccine của Astrazeneca/Oxford.

Đại học Oxford tái khẳng định, vaccine đạt hiệu quả bảo vệ 76% đối với những trường hợp nhiễm có triệu chứng chỉ sau mũi tiêm đầu tiên và hiệu quả này kéo dài tới 3 tháng. Nghiên cứu cũng chứng tỏ, người đã tiêm vaccine tại Anh có ít khả năng truyền virus hơn.

Tính đến tháng 2/2021, Anh là quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất ở châu Âu. Số người dân được tiêm chủng vaccine COVID-19 chiếm tới 11%. Tức là cứ 100 người thì đã có 15 người được tiêm chủng. Hiện tại, Anh đang áp dụng tiêm mũi thứ hai sau tới 12 tuần kể từ mũi thứ nhất nhằm đảm bảo nhiều người dân được tiêm mũi đầu tiên trong khi chờ nguồn vaccine tiếp ứng sau đó. Anh cũng đang đẩy mạnh nghiên cứu, để có thể phát triển vaccine ngăn ngừa các biến thể mới.

Vaccine của AstraZeneca hiện đã được cấp phép tại gần 50 quốc gia trên thế giới. Khác với các loại vaccine COVID-19, vaccine của Đại học Oxford/AstraZeneca có chi phí sản xuất rẻ và đang được bán bằng giá vốn. Chế phẩm này cũng có thể được bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh và có thể bảo lưu trong 6 tháng, trong khi vaccine của Pfizer/BioNTech lại cần được bảo quản ở nhiệt độ cực thấp.

Chạy đua với các biến thể

Các biện pháp phòng dịch cơ bản nhất, đeo khẩu trang, rửa tay, thời điểm này vẫn còn nguyên giá trị. Sự xuất hiện và lây lan của biến thể trong thời gian qua cho thấy, mọi chủ quan, lơ là với dịch chỉ khiến cuộc khủng hoảng này kéo dài thêm. Nhưng hy vọng để cuộc sống trở lại bình thường vẫn phải nằm ở vaccine.

Có nhiều lo lắng về hiệu quả của các vaccine hiện có với biến thể, thậm chí có những bài báo quy chụp và quá lạnh lùng khi giật tít, thành quả chống dịch của thế giới suốt 1 năm qua về không khi virus thay đổi. Điều này ảnh hưởng đến tâm lý của mọi người nói chung và thậm chí tạo suy nghĩ nghi ngờ với vaccine và hiệu quả các chương trình tiêm chủng hiện tại.

Trong khi theo WHO, việc xuất hiện các biến thể là một phần bình thường trong quá trình tiến hóa của virus, một phần bình thường trong diễn biến của đại dịch. Các quan chức WHO thậm chí còn tỏ ra lạc quan trước việc phát hiện những biến thể mới của SARS-CoV-2 bởi điều này đồng nghĩa các công cụ theo dõi virus đang hoạt động hiệu quả. Thực tế, các cuộc đua tìm kiếm cải tiến vaccine đã đi vào triển khai. Giới khoa học tin rằng, các loại vaccine hiện tại vẫn có tác dụng với biến chủng còn nghiên cứu vaccine cải tiến sẽ không mất quá nhiều thời gian.

Nóng bỏng cuộc đua tiêm chủng vaccine COVID-19 trên toàn cầu - Ảnh 3.

Tiến sĩ Buddy Creech - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu vaccine, Đại học Vanderbilt, Mỹ

Các hãng dược phẩm, các chuyên gia và chính phủ các nước đã và đang tăng tốc nghiên cứu, thử nghiệm về hiệu quả của vaccine với các biến thể. Nước Anh thứ Sáu vừa qua đã đạt thỏa thuận với hãng dược phẩm CureVac của Đức để hợp tác phát triển vaccine ngăn ngừa biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Hãng Pfizer của Mỹ đặt mục tiêu hoàn thành các nghiên cứu về vấn đề này trong 100 ngày, thậm chí tiến hành với "tốc độ ánh sáng" nếu cần thiết.

Với những nỗ lực trên, các loại vaccine ngừa COVID-19 mới được kỳ vọng sớm được đưa vào sử dụng. GlaxoSmithKline và Curevac hy vọng, những vaccine ngừa các biến thể mà họ nghiên cứu có thể sẽ sẵn sàng đưa vào sử dụng vào năm tới. Còn AstraZeneca thì đưa ra triển vọng tích cực hơn với việc ra mắt các vaccine ngừa biến thể mới ngay vào mùa thu tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước