Một số nước dần trở lại cuộc sống bình thường do đã kiểm soát được đại dịch COVID-19 bằng tỷ lệ miễn dịch cao trong cộng đồng nhờ vaccine và Trung Quốc bắt đầu cho phép các cặp vợ chồng sinh con thứ 3 là hai chủ đề đáng chú ý trong số các câu chuyện quốc tế tuần qua. Hai câu chuyện này đều tiềm ẩn những thách thức đối với việc triển khai.
Thách thức khi trở lại cuộc sống bình thường mới
Ở một số nước, vẫn có những "rặng đá ngầm" dưới bề mặt của sự trở lại với cuộc sống bình thường. Thực ra, đây là cuộc sống bình thường mới vì người dân vẫn phải giữ khoảng cách và đeo khẩu trang, nếu ở Mỹ, chỉ người nào đã tiêm vaccine COVID-19 mới được bỏ khẩu trang.
Không khí của cuộc sống bình thường mới diễn ra ở một số nước, người dân tưởng như đã cất được gánh lo. Tuy nhiên, thách thức là có thật, như việc giữ khoảng cách là điều hầu như chẳng ai nghĩ tới nữa, hay nếu ở Mỹ, làm sao biết ai chưa tiêm vaccine để yêu cầu đeo khẩu trang? Việc trông đợi người dân tự chịu trách nhiệm cũng là một thách thức.
Cuộc sống bình thường mới có thực sự dễ dàng ở những nước đang mở cửa lại? (Ảnh: AP)
Trên thực tế, việc trở lại cuộc sống bình thường lại gây căng thẳng cho không ít người. Sau thời gian dài đóng cửa trong nhà, tuân thủ các biện pháp phòng dịch và quen với việc mặc gì cũng được, chỉ nói chuyện và làm việc qua mạng, giờ chuyện mở cửa bước ra ngoài gặp gỡ mọi người hàng ngày đã khiến nhiều người cảm thấy ngại.
Các chuyên gia sức khỏe tâm thần cho biết, một số người có thể ngại quay lại môi trường đông người, đi làm trực tiếp hay đi học ở trường, không đeo khẩu trang, chưa muốn làm những việc như trước đại dịch. Những người này có thể lâm vào trầm cảm, gặp phải các cơn hoảng loạn, tránh gặp người khác, thậm chí có thể bỏ việc khi phải trở lại ngay với cuộc sống bình thường.
Trung Quốc ban hành chính sách sinh con thứ 3, người dân không mặn mà
Sau khi công bố số liệu cho thấy dân số tăng ở mức thấp nhất kể từ những năm 60 của thế kỷ trước, trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất trên thế giới, Trung Quốc đã ban hành chính sách cho phép sinh con thứ 3 .
Trước đó, vào năm 2015, Trung Quốc đã điều chỉnh chính sách dân số, cho phép các cặp vợ chồng sinh 2 con sau hơn 3 thập kỷ thực thi chính sách 1 con. Tuy nhiên, tình trạng già hóa dân số vẫn tiếp tục gây áp lực đối với xã hội Trung Quốc như tăng chi phí lương hưu và giảm tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh này, liệu chính sách nới lỏng hơn nữa việc kế hoạch hóa gia đình có phát huy tác dụng đối với xã hội Trung Quốc hiện nay?
Câu chuyện được nhiều cặp vợ chồng bàn luận nhất ở Trung Quốc trong tuần này có lẽ là việc Chính phủ khuyến khích người dân sinh con thứ 3. Giới chuyên gia cho rằng, chính sách mới này là quá muộn và có thể sẽ không hiệu quả bởi theo họ, nguyên nhân khiến tỷ lệ sinh ở Trung Quốc giảm mạnh không liên quan nhiều đến chính sách hạn chế sinh con trước đây của nước này.
Trung Quốc cho phép sinh con thứ 3, nhưng liệu giờ có nhiều người muốn? (Ảnh: AP)
Theo các chuyên gia, việc cho phép các cặp vợ chồng sinh 3 con không có nghĩa là dân số sẽ thực sự tăng lên. Đặc biệt, ở các vùng nông thôn, người dân khá nghèo nên không có động lực sinh con. Nguyên nhân chính được các cặp đôi chia sẻ là do vấn đề thu nhập và các chính sách xã hội chưa đủ để giảm bớt gánh nặng khi họ sinh thêm con. Chi phí nuôi một đứa trẻ tới năm 15 tuổi ở các thành phố lớn như Thượng Hải hay Bắc Kinh lên tới 131.000 USD (tương đương hơn 3 tỷ đồng), khiến nhiều người Trung Quốc không muốn sinh thêm. Bên cạnh đó, các phụ huynh sẽ phải đầu tư nhiều vào việc học thêm của con để thi đại học.
Chi phí sinh hoạt đắt đỏ, thiếu nhà trẻ chất lượng hợp túi tiền cùng với áp lực công việc như vậy đang khiến nhiều cặp vợ chồng Trung Quốc ngại sinh con. Thậm chí, nhiều người không thể lập gia đình hoặc lựa chọn cuộc sống độc thân vì gánh nặng kinh tế.
Trung Quốc là quốc gia có lượng người độc thân đông nhất thế giới. Theo số liệu năm 2018, nước này có 240 triệu người độc thân, chiếm khoảng 17% tổng dân số. Lối sống độc thân thể hiện rõ trong nền kinh tế của Trung Quốc với những sản phẩm gia dụng dành cho người độc thân, hay những quán ăn dành cho những người chỉ đi một mình.
Có thể chưa phải là một xu hướng nhưng ở Trung Quốc đã xuất hiện những trường hợp người trưởng thành chỉ kết hôn nhưng không có ý định sinh con. Lối sống của họ được gọi là "Thu nhập nhân đôi, không con cái" do lo ngại những chi phí và khó khăn trong việc nuôi dạy trẻ. Thậm chí, một số nam giới độc thân còn quyết định tự nguyện triệt sản. Tuy nhiên, các bệnh viện tại Trung Quốc hiện từ chối dịch vụ này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!