Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 75 vừa kết thúc. Như mọi năm, đây là sự kiện quan trọng bậc nhất trong năm của hoạt động đối ngoại đa phương. Các nhà lãnh đạo thế giới đến với diễn đàn Liên Hợp Quốc tại New York, Mỹ để phát đi các thông điệp quan trọng của mình về các vấn đề đối ngoại và về các vấn đề chung toàn cầu.
Năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, kỳ họp này đã được tổ chức theo hình thức chưa có tiền lệ. Thay vì có mặt trực tiếp tại các phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, các nhà lãnh đạo thế giới đã gửi thông điệp qua video để phát tại các phiên họp cấp cao.
Bằng cách đó, cả thế giới đã lắng nghe họ, để hiểu xem thế giới mà chúng ta đang sống đang đối mặt với các thách thức to lớn như thế nào. Và các nhà lãnh đạo quốc gia cũng như những người cầm cân nảy mực tại Liên Hợp Quốc sẽ phải nỗ lực ra sao để tìm kiếm sự hợp tác, trong một thời kỳ khó khăn đối với tất cả các quốc gia trên thế giới?
Nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương
Trong bài phát biểu nhân kỷ niệm 75 năm thành lập Liên Hợp Quốc, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres khẳng định về sự cần thiết của chủ nghĩa đa phương trong bối cảnh nhân loại đang vươn tới một thế giới bình đẳng hơn và phát triển bền vững hơn: "Trong thế giới kết nối, các nước cần hợp tác với nhau và thế giới cần có hệ thống đa phương mà ở đó, Liên Hợp Quốc cùng các tổ chức tài chính quốc tế, các tổ chức khu vực và tổ chức thương mại hợp tác chặt chẽ và hiệu quả với nhau. Thế giới cần có hệ thống đa phương bao trùm, không chỉ dựa trên xã hội dân sự, các doanh nghiệp, chính phủ mà cả giới trẻ trên toàn cầu".
Trong thông điệp gửi tới Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, cơ chế đa phương toàn cầu và khu vực phải được tôn trọng và phát huy.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (Ảnh: TTXVN)
"Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn phát huy quan hệ hợp tác toàn diện với Liên Hợp Quốc, góp phần xây dựng một thể chế đa phương toàn cầu công bằng, minh bạch và hiệu quả. Việt Nam sẽ nỗ lực thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc, tăng cường hợp tác giữa Liên Hợp Quốc với các tổ chức khu vực, đặc biệt là ASEAN" - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định, Việt Nam sẽ là ngọn cờ đầu trong việc duy trì chủ nghĩa đa phương: "Thực tại càng cam go, thử thách, chúng ta càng cần đoàn kết, hợp tác, tăng cường chủ nghĩa đa phương với trung tâm là Liên Hợp Quốc, nghiêm túc tuân thủ Hiến chương và luật pháp quốc tế, triệt để tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia; đặt con người ở trung tâm của mọi nỗ lực phát triển để không ai bị bỏ lại phía sau".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (Ảnh: VGP)
Có thể thấy, quan điểm của các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng là điều mà các nhà lãnh đạo Liên Hợp Quốc chia sẻ.
Theo ông Volkan Bozkir - Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 75, chủ nghĩa đa phương không phải là một lựa chọn mà là một điều cần thiết khi xây dựng một thế giới bình đẳng hơn, linh hoạt hơn và bền vững hơn. Ở đó, Liên Hợp Quốc phải là trung tâm của các nỗ lực. Kể từ khi Liên Hợp Quốc được thành lập, thế giới đã thay đổi theo những cách không thể tưởng tượng được. Và Liên Hợp Quốc phải được nâng cấp để ứng phó với những thách thức và thay đổi này để luôn phù hợp và hiệu quả.
Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Volkan Bozkir (Ảnh: United Nations News)
Thế giới cần tránh một cuộc chiến tranh lạnh mới
Không nằm ngoài dự đoán, kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm nay tiếp tục chứng kiến sự đối đầu giữa những nước lớn. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres khẳng định, thế giới đang đi theo một định hướng nguy hiểm, cần tránh một cuộc chiến tranh lạnh mới và ngừng các cuộc xung đột để dồn sức chống dịch.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres (Ảnh: United Nations)
"Chúng ta phải làm mọi thứ để tránh một cuộc chiến tranh lạnh mới. Thế giới của chúng ta không thể chấp nhận một tương lai nơi hai nền kinh tế lớn nhất chia cắt toàn cầu bằng một vết nứt lớn, trong đó, mỗi bên đề ra các quy tắc thương mại và tài chính riêng. Sự chia cắt về kinh tế và công nghệ sẽ có nguy cơ biến thành một sự chia cắt địa chính trị và quân sự" - Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nhấn mạnh.
Giữa lúc thế giới cần sự hợp tác, Đại hội đồng năm nay lại chứng kiến sự đối đầu gay gắt giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tổng thống Mỹ công kích Trung Quốc về dịch COVID-19, trong khi đó, Bắc Kinh lên án chủ nghĩa bá quyền, kêu gọi hợp tác đa phương.
Tại kỳ họp năm nay, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ chỉ ra nhiều quốc gia đã đơn độc khi đại dịch bùng phát. Tổng thống Brazil nhấn mạnh, thảm họa kinh tế mà nhiều quốc gia đang phải đối mặt và nguy cơ xảy ra chiến tranh lạnh kiểu mới giữa Mỹ và Trung Quốc trong đại dịch. Còn Tổng thống Nga thì lên án các lệnh trừng phạt mà các nước áp đặt với nhiều nước thành viên Liên Hợp Quốc trong bối cảnh mà thế giới lẽ ra phải hỗ trợ nhau vực dậy nền kinh tế. Quan điểm được các nhà lãnh đạo chia sẻ làm nổi bật một thực tế rằng, thế giới đang thiếu sự lãnh đạo đối phó COVID-19.
Thế giới chỉ có thể chiến thắng đại dịch khi tất cả các quốc gia cùng chiến thắng. Đó là thông điệp bao trùm và xuyên suốt kỳ họp năm nay. Chủ nghĩa đa phương vẫn được đánh giá là hệ thống hiệu quả nhất để giải quyết các thách thức toàn cầu, dù đó là COVID-19 hay vấn đề an ninh. Câu hỏi mà các nhà lãnh đạo phải trả lời là làm thế nào để thúc đẩy hơn nữa chủ nghĩa đa phương trong thời điểm khó khăn nhất của thế giới kể từ sau thế chiến thứ hai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!