Những kỷ lục khí hậu liên tiếp bị phá vỡ. Năm 2023 có thể trở thành năm nóng nhất trong lịch sử, khả năng xảy ra lũ lịch sử cao gấp 50 lần do biến đổi khí hậu. Riêng một hội nghị thượng đỉnh chỉ bàn về vấn đề khí hậu đã được tổ chức tuần qua trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc. Đây là vấn đề luôn ở vị trí ưu tiên cao trong chương trình nghị sự của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres và càng thu hút sự quan tâm rộng rãi trong năm 2023 này, năm chứng kiến sự gia tăng đột biến các thảm họa khí hậu và tình trạng Trái đất nóng đến mức kỷ lục. Chính vì vậy, thông điệp được Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhắc đi nhắc lại là cần hành động và hành động khẩn cấp.
Hội nghị thượng đỉnh tham vọng khí hậu
Thế giới cần hành động khẩn cấp để có thể tránh được thảm họa khí hậu về lâu dài, đây là lời kêu gọi của Tổng thư ký Antonio Guterres tại Hội nghị thượng đỉnh Tham vọng khí hậu.
Ông nói: "Tôi sẽ rất vui mừng nếu một số quốc gia G20 có thể tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần này và công bố một bước nhảy vọt trong nỗ lực giảm lượng khí thải, đồng thời hỗ trợ tài chính tốt hơn cho các nước đang phát triển, những nước đang phải đối mặt với khó khăn to lớn để phát triển các chương trình giảm thiểu và thích ứng của riêng họ".
Bước nhảy vọt, theo như cách dùng từ của Tổng thư ký LHQ là "bước nhảy lượng tử"- chỉ sự thay đổi đột ngột và nhanh chóng, không qua trung gian - phần nào thể hiện mong muốn của Liên hợp quốc về những thay đổi cấp thiết mà mỗi quốc gia cần thực hiện trong lộ trình triển khai Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 vốn đang bị đánh giá là chậm hơn rất nhiều so với yêu cầu.
Lãnh đạo hơn 30 nước được mời phát biểu tại hội nghị, theo tiêu chí được Tổng thư ký LHQ đưa ra, là đại diện các chính phủ và doanh nghiệp mang đến hội nghị những bản kế hoạch ý nghĩa.
Bà Ursula von der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu: "Chúng ta phải đáp ứng mục tiêu tài chính khí hậu trị giá 100 tỷ USD. Quả thực, đó là vấn đề về niềm tin. Liên minh châu Âu sẽ đóng góp phần công bằng 27 tỷ USD như chúng tôi đã làm trong những năm qua".
Tổng thống Kenya William Rutto: "Cả châu Phi và các nước đang phát triển đều không cần đến sự trợ giúp từ thiện từ các nước phát triển, điều chúng ta cần là sự công bằng. Một hệ thống tài chính công bằng, tiếp cận thị trường công bằng cho tài sản, sản phẩm và dịch vụ xanh".
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra những đề xuất xác lập tầm nhìn mới, tư duy mới, quyết tâm mới, hành động quyết liệt cho phát triển xanh, đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0. "Các nước phát triển, các đối tác quốc tế cần tăng gấp đôi tài chính cho các hoạt động thích ứng vào năm 2025 và đưa quỹ tổn thất vì thiên tai vào hoạt động tại COP28 như đã cam kết, để hỗ trợ các nước đang phát triển, kém phát triển khắc phục những hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra… Mặc dù là một quốc gia đang phát triển, còn gặp không ít khó khăn, nhưng với tinh thần hành động vì Trái đất xanh, Việt Nam quyết tâm thực hiện đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050".
Bức tranh ứng phó biến đổi khí hậu chung dù còn tồn tại điểm tối nhưng vẫn có những điểm sáng. Brazil đã nâng mục tiêu giảm khí thải, cam kết đến năm 2030 sẽ giảm 50-53% khí thải so với mức độ năm 2005. Thái Lan đã thành lập một bộ riêng chuyên về biến đổi khí hậu và nâng mục tiêu cắt giảm khí thải từ 20% lên 40% so với mức dự báo phát thải thông thường vào năm 2030.
Trong bối cảnh gia tăng tâm lý hoài nghi về khả năng thế giới đạt được các mục tiêu khí hậu, LHQ kỳ vọng Hội nghị thượng đỉnh Tham vọng khí hậu sẽ truyền cảm hứng cho cuộc chiến ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu.
Kết quả của Hội nghị thượng đỉnh Tham vọng khí hậu
Hội nghị lần này khá đặc biệt, thể hiện sự quyết liệt của Liên hợp quốc. Lãnh đạo 193 nước thành viên LHQ có mặt tại New York, nhưng chỉ có 34 nước được mời phát biểu, trong đó có Việt Nam. Tiêu chí để được chọn gồm các đề xuất cập nhật kế hoạch khí hậu trước năm 2030 của quốc gia đó, các mục tiêu chuyển đổi năng lượng không phát thải ròng, cam kết giảm sử dụng dầu, khí đốt và than đá, dần tiến tới loại bỏ nhiên liệu hóa thạch. Đây là các tiêu chí khiến hầu hết các nước phát thải lớn đều không đạt yêu cầu.
Tại hội nghị lần này, Quỹ Khí hậu Xanh của Liên hợp quốc (chuyên giải ngân tài chính khí hậu cho các nước đang phát triển) cũng công bố mục tiêu huy động vốn ít nhất 50 tỷ USD tới năm 2030. Và thay vì hỗ trợ các dự án một lần, quỹ chuyển trọng tâm sang hỗ trợ chuyển đổi toàn bộ hệ thống.
Bằng việc tạo sức ép, Liên hợp quốc mong muốn các quốc gia phải nhìn nhận lại nghiêm túc các cam kết cũng như ý chí chính trị của mình trước khi bước vào COP 28, dự kiến sẽ diễn ra trong chưa đầy 2 tháng nữa.
Mức độ khẩn cấp trong lời kêu gọi của Tổng thư ký Liên hợp quốc
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã đưa ra cảnh báo: "Nhân loại đã mở cánh cửa dẫn tới địa ngục". Điều này có nghĩa, nếu không hành động ngay, thay đổi ngay, thế giới đang đứng trước nguy hiểm và bất ổn. Bởi đã có những vụ mùa bị cuốn trôi vì lũ; những cánh rừng cháy trơ trụi; nắng nóng làm phát sinh nhiều bệnh tật nguy hiểm và các quốc gia, đặc biệt là đảo nhỏ, có thể bị nhấn chìm do băng tan.
Theo báo cáo ngay đầu tháng này của Liên hợp quốc thì các cam kết cắt giảm khí thải hiện tại của các quốc gia là không đủ để duy trì nhiệt độ trong ngưỡng tăng 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp như Thỏa thuận Khí hậu Paris 2015 kêu gọi. Liên hợp quốc cho rằng thế giới vẫn có thể khống chế được sự nóng lên toàn cầu, nhưng phải bằng "hành động khí hậu ngay lập tức và mạnh mẽ" hơn.
Tại các diễn đàn về khí hậu thì tâm điểm các cuộc thảo luận xoay quanh ngưỡng 1,5 độ C. Đây là mức tăng nhiệt độ so với thời kỳ tiền công nghiệp mà các nhà khoa học đặt ra là giới hạn đỏ, nếu nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng quá 1,5 độ C thì thế giới có thể bị biến dạng và đối mặt với những tác động không thể đảo ngược.
Đã có thời điểm, thế giới đề cập ngưỡng 2 độ C. Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 một mặt đặt mục tiêu giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 2 độ C, mặt khác phấn đấu không tăng quá 1,5 độ C. Tuy nhiên, Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu COP 26 tại Anh năm 2021 đã tái khẳng định không để mức tăng nhiệt độ Trái đất vượt quá 1,5 độ C.
Thiên tai bất thường do biến đổi khí hậu
Hiện nhiệt độ Trái đất đã tăng 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Theo như cảnh báo của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, thế giới đã bước vào "kỷ nguyên nung nóng toàn cầu" - một cấp độ nguy hiểm hơn nhiều so với khái niệm thế giới vẫn dùng lâu nay là "ấm lên toàn cầu". Đây không chỉ là một cách dùng từ ngữ để gây sự chú ý, mà là cảnh báo dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn, để thức tỉnh cả thế giới về những hậu quả ngày càng thảm khốc của thiên tai bất thường do tình trạng biến đổi khí hậu Trái đất hiện nay.
Một hình ảnh ấn tượng được đặt ở Sao Paulo, Brazil. Lấy cảm hứng từ những thí nghiệm rán trứng dưới ánh nắng mặt trời thiêu đốt, tác phẩm như hồi chuông báo động, kêu gọi nâng cao nhận thức về khủng hoảng khí hậu. Điều đặc biệt, nó xuất hiện đúng thời điểm nhiệt độ Brazil được dự báo sẽ đạt 37 độ C trong vài ngày tới dù mới chuẩn bị vào hè. Nhưng ngay cả khi giữa mùa đông, khu vực Nam bán cầu năm nay đã trải qua đợt nắng nóng trái mùa bất thường.
Nhiệt độ cao bất thường tại khu vực này chỉ là một phần của xu hướng nắng nóng cực độ trên toàn thế giới. Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới và Cơ quan khí hậu châu Âu, giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 8/2023 là khoảng thời gian nóng nhất trong các kỷ lục bắt đầu từ năm 1940.
Tại châu Á, nhiệt độ ở Nhật Bản đã có lúc lên tới 40 độ C, còn tại Trung Quốc thậm chí đã tăng lên trên 50 độ C. Nhưng cũng cùng thời điểm đó, những trận mưa xối xả đã gây ngập lụt nhiều khu vực của Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ, làm đảo lộn cuộc sống của hàng triệu người cũng như gây ra lũ quét, sạt lở đất và mất điện.
Ngay sau đó, tháng 9 bắt đầu với bão Hải Quỳ, biến đường phố Hong Kong (Trung Quốc) thành sông bởi mưa lớn xối xả. Đây là đợt thiên tai đầu tiên trong số hàng loạt hiện tượng thời tiết cực đoan tấn công 10 quốc gia và vùng lãnh thổ chỉ trong 12 ngày. Trong đó, thảm khốc nhất là trận lũ lụt lịch sử ở Libya khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng và mất tích, hơn 43.000 người phải di dời.
Bà Friederike Otto - Giảng viên cao cấp, Viện nghiên cứu Grantham về biến đổi khí hậu: "Dựa trên các dữ liệu và các khu vực mà chúng tôi đã nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy sự gia tăng cả về cường độ và khả năng xảy ra thảm họa, về khả năng tăng gấp 10 lần, còn về cường độ tăng thêm 40 đến 50%. Biến đổi khí hậu đang đẩy các hình thái thời tiết tới tình trạng cực đoan mới chưa từng thấy trước đây.
Thách thức đạt mục tiêu giảm phát thải toàn cầu
Hội nghị thượng đỉnh Tham vọng khí hậu được tổ chức trong bối cảnh báo cáo mới nhất của LHQ cho thấy những cam kết rất được kỳ vọng theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu 8 năm trước đã không được thực hiện đầy đủ để có thể hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Chỉ riêng trong lĩnh vực thích ứng biến đổi khí hậu, theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, nguồn tài trợ dành cho các nước đang phát triển, vốn được tính toán là cần đạt 300 tỷ USD mỗi năm từ nay đến năm 2030, thì hiện thấp hơn từ 5-10 lần so với mức đề ra.
Nhìn tổng thể, vẫn còn một chặng đường dài để thế giới có thể đạt mục tiêu giảm phát thải toàn cầu. Một báo cáo công bố hồi tháng 5 vừa qua của Tổ chức Khí tượng thế giới cho biết, nhiệt độ toàn cầu có khả năng tăng lên mức kỷ lục trong 5 năm tới. Có 66% khả năng trung bình nhiệt độ bề mặt toàn cầu hàng năm từ năm 2023 đến năm 2027 sẽ cao hơn 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Ông Petteri Taalas - Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới: "Chúng tôi ước tính rằng trong 5 năm tới, mức tăng nhiệt độ sẽ tạm thời không quá 1,5 độ, nhưng trong 15 hoặc 20 năm tới, chúng tôi ước tính rằng đó có thể là đặc điểm thường trực của khí hậu. Và trên thực tế, chúng ta không thể quay trở lại những ngày xưa tốt đẹp đó".
Thực tế là năm 2023 có thể là năm nóng nhất từ trước đến nay, mà nguyên nhân chính, theo như kết luận từ Hội nghị về biến đổi khí hậu lần thứ 26 COP26 là nhiên liệu hóa thạch. Thủ phạm làm nhiệt độ bề mặt Trái đất ngày càng tăng vẫn chiếm 82% nguồn cung năng lượng toàn cầu.
GS. Kevin Anderson - Chuyên gia về năng lượng và biến đổi khí hậu: "Khoảng 90 quốc gia sản xuất dầu mỏ và khí đốt đang tìm kiếm nhiều dầu mỏ và khí đốt hơn nữa, thậm chí tìm cả ở Bắc Cực. Trong khi có nhiều lời hoa mỹ về nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu, thì với nguyên nhân chính của tình trạng này là việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch, chúng ta lại đang tìm kiếm ngày càng nhiều nhiên liệu hóa thạch hơn".
Từ sau hội nghị COP21 tại Paris năm 2015, hơn 190 quốc gia chiếm hơn 90% các nền kinh tế trên thế giới đã cam kết củng cố các mục tiêu giảm phát thải. Nhưng từ đó đến nay chỉ có 41 quốc gia trong đó có Việt Nam đã đệ trình các mục tiêu giảm phát thải với cam kết lớn hơn.
Trước đó, tại Hội nghị COP15, các nước phát triển đã cam kết huy động 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước nghèo thích ứng với biến đổi khí hậu. Đến nay, mục tiêu này vẫn chưa được thực hiện và tiếp tục bị lỡ hẹn vào năm ngoái, vì các nước giàu chỉ đóng được 84 tỷ USD.
Theo Tổng thư ký LHQ, các nước cần có cam kết tham vọng hơn về giảm phát thải nhà kính phù hợp với mục tiêu duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5 độ C, trong đó các nước phát triển cần đạt phát thải ròng bằng 0 muộn nhất vào năm 2040 và các nền kinh tế mới nổi là vào năm 2050.
Trong diễn biến mới nhất, Thủ tướng Anh Rishi tuyên bố lùi thời điểm thực thi lệnh cấm bán ô tô mới chạy bằng xăng và dầu diesel từ năm 2030 sang năm 2035, động thái cho thấy sự thay đổi về cách tiếp cận của Chính phủ Anh trong việc thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Hành động khí hậu - những nỗ lực toàn cầu
Như vậy, các nước đang có những chiến lược khác nhau để đạt mục tiêu giảm phát thải. Những chiến lược này đang được cụ thể hóa ở các cấp độ khác nhau với những giải pháp ý nghĩa trong nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu.
Tháng 5 vừa qua, Pháp đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành lệnh cấm các chuyến bay nội địa chặng ngắn nhằm giúp nước này cắt giảm lượng khí thải gây ô nhiễm từ hàng không dân dụng. Theo đó, các hãng hàng không sẽ không được thực hiện những chuyến bay, nếu giữa hai điểm đến có hành trình đi lại bằng tàu hỏa dưới 2 giờ 30 phút.
Sau Pháp, Áo, Đức, Tây Ban Nha cũng đang vạch kế hoạch cắt giảm các chuyến bay chặng ngắn để thay thế bằng lộ trình tàu hỏa phù hợp.
Còn tại Đức, tháng 8 vừa qua, Penny, siêu thị giảm giá hàng đầu ở nước này đã tiến hành đợt tăng giá thử nghiệm kéo dài một tuần tại tất cả hơn 2.000 chi nhánh của chuỗi siêu thị. Theo đó, 9 sản phẩm, chủ yếu là sữa và thịt, được định giá dựa trên tác động của chúng đối với đất, khí hậu, sức khỏe con người và ảnh hưởng tới nguồn nước.
Ông Tim Bienert - Quản lý vùng, Siêu thị Penny: "Chi phí thực tế không chỉ là chi phí phát sinh trong chuỗi cung ứng mà còn là chi phí môi trường. Chúng tôi đã có những tính toán này của các chuyên gia và do đó giá mới chính xác, rất minh bạch".
Không chỉ có châu Âu mà nhiều nước tại châu Á cũng đã có những kế hoạch kinh tế xanh cho tương lai. Tháng 6 vừa qua, Singapore đã đưa vào hoạt động một trong những trang trại điện mặt trời nổi lớn nhất thế giới. Trang trại gồm 120.000 tấm pin mặt trời với công suất tối đa đạt 60 MW có thể sản xuất đủ điện để vận hành 5 nhà máy xử lý nước sạch trong khu vực.
Sử dụng kỹ thuật nông nghiệp từ hàng trăm năm trước để đối phó với các điều kiện khí hậu cực đoan. Đây là sáng kiến đang được những người nông dân Bangladesh áp dụng. Theo đó, họ buộc từng luống bèo và tre thành bè cao để gieo hạt, sử dụng gỗ dăm và xơ dừa làm phân bón. Với việc áp dụng phương pháp này, nông dân đã tạo ra nông trại nổi có thể dịch chuyển lên xuống theo mực nước khi lũ dâng và trồng được nhiều loại rau trái như bầu, bí, rau muống, đậu bắp.
Tại Trung Quốc, nhà máy hydro xanh lớn nhất cả nước hoạt động bằng năng lượng Mặt trời đã bắt đầu vận hành tại khu tự trị Tân Cương. Cơ sở có thể sản xuất hydro mà không thải carbon, thay thế phương pháp cũ sử dụng khí tự nhiên.
Bên cạnh đó, để đáp ứng mục tiêu xây dựng ngành du lịch xanh, 77% xe bus tại Trung Quốc đã được chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng xanh.
Trong nỗ lực giảm phát thải toàn cầu thì tâm điểm chú ý luôn là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, cũng là hai nước có lượng phát thải nhiều nhất thế giới, đó là Mỹ và Trung Quốc. Theo ước tính, lượng khí thải của 2 nước cộng lại chiếm tới 40% tổng lượng khí nhà kính toàn cầu.
Trung Quốc phát triển năng lượng tái tạo
Phát triển năng lượng tái tạo vừa được xác định ngành mũi nhọn vừa cạnh tranh chiến lược các nước lớn nên càng được Chính phủ Trung Quốc đầu tư mạnh. Những con số thống kê đã cho thấy sự phát triển vượt bậc của Trung Quốc. Lần đầu tiên tổng công suất phát điện từ năng lượng tái tạo đạt 48,8%, vượt tổng công suất điện than. Trong số 15 công ty hàng đầu thế giới về điện gió, Trung Quốc có 10 công ty, chiếm hơn 56% thị phần lắp đặt điện gió toàn thế giới. Các công ty sản xuất pin xe điện của Trung Quốc cũng chiếm vị trí ngày càng áp đảo trong top đầu trên thế giới.
Lĩnh vực được đánh giá là sản xuất quy mô lớn, sạch, và hiệu quả kinh tế cao là điện gió ngoài khơi quy mô lớn, Trung Quốc cũng dẫn đầu. Các dự án điện mặt trời cũng được xây dựng nhiều trên các sa mạc, đó là nhờ nước này tự chủ công nghệ năng lượng tái tạo. Sự phát triển vượt bậc của năng lượng tái tạo đến từ chiến lược đầu tư cho những ngành mũi nhọn của Chính phủ. Bản thân các công ty cũng tăng gần 2,6 lần số tiền đầu tư cho nghiên cứu và phát triển R&D chỉ trong 5 năm, nhất là ngành năng lượng tái tạo.
Chính sách khí hậu được thúc đẩy như thế nào tại Mỹ?
Trong gần ba năm qua, chính quyền Mỹ đặc biệt coi trọng việc ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách ứng phó biến đổi khí hậu. Để giảm khí thải CO2, Mỹ đang đưa mục tiêu đến năm 2030, một nửa số ô tô bán ra tại Mỹ sẽ là ô tô điện. Hiện nay, mỗi năm người Mỹ mua mới khoảng 15 triệu ô tô. Để khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng ô tô điện, mỗi người mua ô tô điện mới sẽ được hỗ trợ 7.500 USD. Xe cũ là 4 nghìn USD. Các doanh nghiệp xây dựng nhà máy ô tô điện như một doanh nghiệp của Việt Nam, cũng được hỗ trợ trong nhiều năm, hỗ trợ bằng tiền. Tổng số tiền Mỹ đầu tư cho khí hậu và năng lượng, là 370 tỷ USD để Mỹ có thể cắt giảm 40% lượng CO2 vào cuối thập niên này so với mức phát thải năm 2005.
Trọng tâm Hội nghị COP28 tại UAE
Những gì được nước chủ nhà Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất hé lộ cho tới lúc này là họ đang xây dựng dự thảo cho một chương trình hành động cụ thể chống biến đổi khí hậu, để các quốc gia thành viên thông qua tại hội nghị lần này. Nói như Chủ tịch của COP 28, Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ cao Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất Sultan Ahmed Al Jaber thì Thỏa thuận Paris 2015 là một mấu chốt quan trọng của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Nhưng thỏa thuận Paris cũng mới chỉ dừng lại ở thỏa thuận. Sẽ không thể giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu nếu thế giới thiếu đi một chương trình hành động cụ thể.
Chương trình hành động chống biến đổi khí hậu mà COP 28 dự kiến sẽ đưa ra, vì thế có thể xem là một nấc thang tiếp theo của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu sau thỏa thuận Paris 2015. Chương trình hành động dự kiến sẽ đặt ra một số mục tiêu rất cụ thể để các quốc gia cam kết, như tăng gấp đôi chỉ số hiệu quả sử dụng năng lượng, gấp ba lần công suất của các nguồn năng lượng tái tạo trên toàn cầu lên 11 nghìn GW và tăng gấp đôi sản lượng của năng lượng hydro lên 180 triệu tấn/năm trước năm 2030.
Mới đây Chủ tịch COP 28, đồng thời cũng là đại diện của nước chủ nhà Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đã phát đi một thông điệp, đó là thế giới sẽ "không bất lực" trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Sẽ "không bất lực", với lời lẽ như vậy thì cũng đủ để thấy cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu đang phải đối mặt với những thách thức như thế nào. Nhưng bên cạnh đó thì cũng cần thấy rằng, nhận thức trên toàn cầu về tác hại của biến đổi khí hậu hay nhu cầu hướng đến những nguồn năng lượng tái tạo, vì nhiều yếu tố, đã và đang nhận được những cú hích mạnh mẽ thời gian qua. Đây cũng là lần đầu tiên một hội nghị của các bên tham gia Công ước khung của LHQ về Biến đổi khí hậu được tổ chức tại Vùng Vịnh, mảnh đất được xem là giếng dầu của thế giới.
Những gì nước chủ nhà Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đang hứa hẹn là lần này sẽ kéo cả các nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới, cả cấp độ quốc gia và tư nhân, tham gia tích cực vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Nhìn chung cho tới lúc này, những mục tiêu nước chủ nhà Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đưa ra được đánh giá là giàu tham vọng và nếu thành công thì có thể biến COP lần này thành một hội nghị lịch sử đối với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Việt Nam nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính
Là một nước luôn tham gia tích cực và có đóng góp hiệu quả tại các hội nghị COP từ nhiều năm nay, Việt Nam cũng đã và đang chuẩn bị cho hội nghị COP 28, trong đó một nội dung là xây dựng Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố JETP về quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng để công bố tại COP28. Đây là một cơ chế hợp tác với Nhóm Đối tác quốc tế, dự kiến sẽ hỗ trợ Việt Nam 15,5 tỷ USD trong 3-5 năm tới để chuyển đổi xanh.
Song song với những chương trình hợp tác mới, Việt Nam cũng đang chủ động triển khai các giải pháp cụ thể trong nước nhằm cắt giảm khí thải, thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Chưa đầy 2 năm sau khi tham gia vào cam kết Netzero, Việt Nam đã có nhà máy nội địa đầu tiên trung hòa carbon. Hệ thống thu hồi nhiệt, tận dụng năng lượng sinh khối, bổ sung điện mặt trời hay đốt khí metan khi xử lý nước thải. Các giải pháp đồng bộ này giúp mỗi năm lại giảm lượng khí carbon phát thải ra môi trường. Lượng khí thải đó lại được hấp thụ hết qua lượng cây xanh tương đương.
Năm 2022, Việt Nam ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Từ đó, Chính phủ đã ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cụ thể. Doanh nghiệp tham gia vào thị trường chứng khoán đã có cuốn sổ tay hướng dẫn cụ thể để thực thi.
Kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính sẽ là xu hướng được doanh nghiệp Việt nỗ lực mạnh trong thời gian tới, bởi nó mang lại những lợi ích rõ rệt trên thị trường quốc tế. Ví dụ như trong lĩnh vực dệt may, lĩnh vực trọng yếu để xuất khẩu.
Không chỉ đối với các đơn vị trong nước, xu thế giảm khí thải nhà kính tại Việt Nam đã được ghi nhận. Doanh nghiệp nước ngoài như tập đoàn Lego cũng chọn Việt Nam làm điểm đến để xây dựng nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của mình.
Như vậy, Việt Nam đang đồng hành cùng hơn 70 quốc gia trên thế giới thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Trước mắt, Việt Nam phấn đấu giảm nhanh lượng phát thải khí nhà kính đến 43,5% vào năm 2030.
Lượng phát thải hàng năm trên thế giới hiện nay vào khoảng 40 tỷ tấn/năm. Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu, nếu muốn đạt mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu không vượt quá 1,5 độ C, thế giới chỉ có thể thải thêm 400 tỷ tấn CO2. Như thế có nghĩa là nếu cứ duy trì tốc độ phát thải như hiện nay thì thế giới chỉ còn 10 năm nữa là đến ngưỡng nguy hiểm. Theo cảnh báo của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres thì "quả bom hẹn giờ về khí hậu đang điểm".
Nhiệt độ toàn cầu mới ở mức tăng 1,1 độ C, thế giới đã chứng kiến hàng hoạt kỷ lục nắng nóng và những thảm họa khí hậu hàng trăm mới xảy ra 1 lần. Như trận mưa lũ vừa qua ở Libya là khoảng 300-600 năm mới xảy ra 1 lần.
Cho đến nay, Trái đất vẫn là hành tinh duy nhất trong hệ mặt trời có sự sống, nơi con người có thể sinh sống. Vì vậy, trong cuộc chiến biến đổi khí hậu, thông điệp được Liên hợp quốc nhấn mạnh là chúng ta không có hành tinh B và không có phương án B.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!