Điều này xảy ra khi lượng khí thải carbon dioxide (CO2) từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch tiếp tục tăng. Các nhà khoa học đồng thời kêu gọi các nước tại Hội nghị COP28 "hành động ngay" để xử lý vấn đề ô nhiễm than, dầu và khí đốt.
Các biện pháp liên quan tới tương lai của nhiên liệu hóa thạch đang được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc COP28 ở Dubai, trong đó những quốc gia gây ô nhiễm lớn đang nỗ lực đạt được một thỏa thuận loại bỏ dần nhiêu liệu hóa thạch, nguồn năng lượng sử dụng nhiều carbon, nguyên nhân gây ra phần lớn khí nhà kính.
Theo một nhóm các nhà khoa học khí hậu quốc tế chuyên đánh giá Dự án GlobalCarbon hàng năm, ô nhiễm CO2 từ nhiên liệu hóa thạch đã tăng 1,1% trong năm 2022. Trong đó, lượng khí thải tăng mạnh ở Trung Quốc và Ấn Độ, hiện là quốc gia phát thải lớn thứ nhất và thứ ba trên thế giới.
Họ ước tính rằng có 50% khả năng tình trạng nóng lên sẽ vượt quá mức mục tiêu 1,5oC của Thỏa thuận chung Paris vào khoảng năm 2030, mặc dù họ lưu ý, tình trạng Trái đất ấm lên còn có thể do các khí nhà kính không phải CO2.
Thỏa thuận chung Paris năm 2015 mang tính bước ngoặt cho thấy, các quốc gia cam kết hạn chế mức tăng nhiệt độ xuống dưới 2oC so với thời kỳ tiền công nghiệp và tốt nhất là 1,5oC.
Kể từ đó, mục tiêu 1,5oC đầy tham vọng đã trở nên cấp bách hơn khi có bằng chứng cho thấy, việc nhiệt độ tăng lên vượt quá mức này có thể gây ra các điểm tới hạn nguy hiểm và không thể đảo ngược.
Để duy trì giới hạn đó, Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc cho biết, lượng khí thải CO2 cần phải giảm một nửa trong thập kỷ này.
Dự án Carbon toàn cầu nhận thấy, điều này đang trở thành một nhiệm vụ khó khăn hơn khi lượng khí thải tiếp tục tăng.
Ông Glen Peters, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu Quốc tế CICERO, thông tin, lượng khí thải carbon dioxide hiện cao hơn 6% so với thời điểm các nước ký Thỏa thuận chung Paris.
Ông nói: "Gió mặt trời, xe điện, pin, tất cả đều đang phát triển nhanh chóng, điều này thật tuyệt vời. Nhưng đó mới chỉ là một nửa câu chuyện. Nửa còn lại là giảm lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch. Và đơn giản là chúng ta làm chưa đủ".
Nghiên cứu cho thấy, nhiên liệu hóa thạch chiếm 36,8 tỷ tấn trong tổng số 40,9 tỷ tấn CO2 ước tính được thải ra trong năm nay. Một số quốc gia gây ô nhiễm lớn đã đạt mức phát thải CO2 giảm trong năm nay, bao gồm mức giảm 3% ở Mỹ và 7,4% trên toàn Liên minh châu Âu.
Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho thấy, Trung Quốc, quốc gia chiếm gần 1/3 lượng khí thải toàn cầu, dự kiến sẽ chứng kiến lượng CO2 từ nhiên liệu hóa thạch tăng 4% trong năm 2023, cùng với sự gia tăng sử dụng than, dầu và khí đốt, khi nước này tiếp tục phục hồi sau đại dịch COVID- 19.
Trong khi đó, lượng khí thải CO2 tăng hơn 8% ở Ấn Độ, đồng nghĩa với việc nước này hiện đã vượt qua EU để trở thành nước phát thải nhiên liệu hóa thạch lớn thứ ba, các nhà khoa học cho biết.
Theo ông Peters, ở cả Ấn Độ và Trung Quốc, nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, vượt xa việc triển khai đáng kể năng lượng tái tạo.
Khí thải từ ngành hàng không đã tăng 28% trong năm nay, khi ngành này phục hồi từ mức thấp nhất trong thời kỳ đại dịch.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Dữ liệu Khoa học Hệ thống Trái đất.