Tổng thống Pháp kêu gọi Mỹ chấm dứt lệnh cấm xuất khẩu vaccine

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 13/05/2021 06:00 GMT+7

VTV.vn - Theo Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Mỹ cần chấm dứt lệnh cấm xuất khẩu không chỉ đối với vaccine mà còn đối với các thành phần của vaccine.

Thế giới đã bước qua hành trình từ bùng phát dịch tới có được vaccine, nhưng để từ có vaccine tới thoát khỏi dịch bệnh vẫn là một chặng đường dài. Hiện tại đã có 6 loại vaccine được WHO cấp phép sử dụng khẩn cấp, gồm Sinopharm, Pfizer-BioNTech, Johnson & Johnson, Moderna, AstraZeneca và một phiên bản của vaccine AstraZeneca do Viện Huyết thanh của Ấn Độ sản xuất.

Vaccine đã có, nhưng nỗi lo vẫn còn vẹn nguyên, bởi thực tế là hầu hết vaccine lúc này mới chỉ đến được tay các nước giàu. Việc Ấn Độ, quốc gia sản xuất vaccine lớn nhất thế giới đang cạn nguồn cung vaccine cũng gây áp lực lên mục tiêu chủng ngừa trên toàn cầu.

Gần 1,25 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 đã được tiêm tại ít nhất 210 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, thế nhưng gần một nửa trong số đó được sử dụng tại những nước có thu nhập cao, chỉ 0,3% liều vaccine đã được tiêm ở 29 quốc gia có thu nhập thấp nhất.

Tổng thống Pháp kêu gọi Mỹ chấm dứt lệnh cấm xuất khẩu vaccine - Ảnh 1.

6 loại vaccine được WHO cấp phép sử dụng khẩn cấp

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới cho rằng: "Sự chênh lệch đáng kinh ngạc trên toàn cầu về khả năng tiếp cận vaccine vẫn là một trong những rủi ro lớn nhất để chấm dứt đại dịch".

Trong lúc này, những biến thể mới xuất hiện đang tiếp tục đe dọa tới nguồn cung vaccine và năng lực sản xuất. Ấn Độ, nước sản xuất vaccine lớn nhất thế giới hiện đang cạn kiệt vaccine trước làn sóng lây nhiễm mới. Đây không chỉ là một tin xấu cho Ấn Độ, mà còn cho cả thế giới. Bởi Ấn Độ hiện là nhà cung cấp chính cho chương trình COVAX, Ấn Độ từng đặt mục tiêu cung cấp 1 tỷ liều vaccine miễn phí hoặc chiết khấu cho các quốc gia có thu nhập thấp qua COVAX, nhưng hiện Ấn Độ đã tạm dừng xuất khẩu vaccine để tập trung đáp ứng nhu cầu cấp bách trong nước.

Bà Soumya Swaminathan - Nhà khoa học hàng đầu của Tổ chức Y tế thế giới cho biết: "Trong vài tháng tới, chúng ta không thể mong chờ Ấn Độ cung cấp vaccine như dự kiến, cần tìm cách bù đắp sự thiếu hụt này. Chúng tôi đang đàm phán với Mỹ khi nước này đã cam kết chia sẻ 60 triệu liều vaccine AstraZeneca mà họ có thông qua COVAX. Chúng tôi đang tìm kiếm mọi phương án".


Tổng thống Pháp kêu gọi Mỹ chấm dứt lệnh cấm xuất khẩu vaccine - Ảnh 2.

Tiêm vaccine COVID-19, ở Rome, Italy ngày 19/3. Ảnh AP.

Hiện tại, châu Âu đang là khu vực xuất khẩu vaccine sang các nước khác nhiều nhất. 50% lượng vaccine sản xuất ra tại châu lục này đã được xuất khẩu tới gần 90 quốc gia, trong đó có cả tới cơ chế COVAX. Trong khi đó, tại một số nước như Mỹ, chỉ có 5% lượng vaccine sản xuất ra là được xuất khẩu.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói: "Tôi kêu gọi Mỹ chấm dứt lệnh cấm xuất khẩu, không chỉ đối với vaccine mà còn đối với các thành phần của vaccine. Hãng CureVac nói rằng họ không thể sản xuất vaccine ở châu Âu vì các thành phần đã bị Mỹ chặn. Chìa khóa để sản xuất vaccine nhanh hơn cho tất cả các nước nghèo và thu nhập trung bình là sản xuất nhiều hơn. Hãy dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu".

Trong lúc này, một hướng đi được nhiều nước tính tới, đó là mua bản quyền vaccine. Thái Lan từ tháng sau sẽ có vaccine AstraZeneca tự sản xuất trong nước sau khi được chuyển giao công nghệ.

EU cảnh báo cấm AstraZeneca xuất khẩu vaccine ngừa COVID-19 EU cảnh báo cấm AstraZeneca xuất khẩu vaccine ngừa COVID-19

VTV.vn - Đây là diễn biến mới nhất trong tranh cãi đang ngày một xấu đi giữa hai bên liên quan đến việc giao hàng bị chậm trễ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước