Người dân kén chọn loại vaccine COVID-19 khi tiêm
Bánh ngọt hay vaccine đều là hàng hóa, do đó người tiêu dùng có quyền lựa chọn, đây là quan điểm được một số người dân các nước phương Tây đưa ra khi yêu cầu quyền chọn lựa loại vaccine ngừa COVID-19. Băn khoăn này càng hiện hữu hơn khi Cơ quan Dược phẩm châu Âu xác định, vaccine của AstraZeneca và Johnson & Johnson có tác dụng phụ, mặc dù tỷ lệ rất hiếm gặp.
Những người cầu toàn vì thế càng "kén cá chọn canh". Giới chức y tế Đan Mạch thông báo, người dân có thể tự lựa chọn có muốn tiêm vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca hay không. Đối với vaccine 1 liều của Johnson & Johnson, khả năng quốc gia Bắc Âu này cũng sẽ để ngỏ quyền lựa chọn cho công chúng.
Người dân ngày càng kén chọn loại vaccine COVID-19.(Ảnh: AP)
Các báo cáo mới cho thấy, người dân Mỹ cũng ngày càng khó tính hơn khi quyết định tiêm vaccine. Một số người cho biết, họ thà hoãn lịch tiêm còn hơn là dùng vaccine của Johnson & Johnson. Những quan điểm trái chiều đang làm chậm kế hoạch tiêm phòng, bất chấp các ý kiến chuyên gia khẳng định, bây giờ không phải là thời điểm kén chọn vaccine.
Việc kén chọn vaccine được giải thích là vì nhiều người lo ngại về một số phản ứng phụ sau khi tiêm vaccine. Vì thế, họ tìm kiếm loại vaccine có kết quả thành công cao nhất. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế không ủng hộ quan điểm này.
Nguyên nhân được đưa ra là do lo ngại về một số phản ứng phụ sau khi tiêm. (Ảnh: AP)
Tâm lý "kén cá chọn canh" của người dân các nước phương Tây xuất phát từ thực tế là họ may mắn là được lựa chọn. Nước giàu còn nghĩ đến chuyện "nâng lên đặt xuống" các hãng vaccine khác nhau, trong khi nước khó khăn lại chẳng có vaccine để tiêm. Tình trạng chậm tiêm phòng khiến dịch bệnh như cơn sóng thần, chuẩn bị "kéo sập" hệ thống y tế Ấn Độ. Khả năng lây lan mạnh khiến nhiều nước siết chặt hạn chế người đến từ Ấn Độ.
Singapore đã công bố lệnh cấm nhập cảnh đối với những người có lịch sử di chuyển tới Ấn Độ trong thời gian gần đây. Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đã đình chỉ mọi chuyến bay chở khách đến từ quốc gia Nam Á này. Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ khuyến cáo, người dân ngay cả khi đã tiêm vaccine cũng tránh đi tới Ấn Độ. Từ ngày 23/4, Anh đặt Ấn Độ vào danh sách đỏ hạn chế đi lại do nguy cơ lây lan dịch bệnh ở mức cao.
Phán quyết mang tính bước ngoặt trong lịch sử đấu tranh chống phân biệt chủng tộc tại Mỹ
Một sự kiện khác rất đáng chú ý trong tuần qua chính là kết quả phiên xử cựu cảnh sát da trắng gây ra cái chết của người đàn ông da màu George Floyd, sự kiện được coi là bước ngoặt trong nỗ lực chống phân biệt chủng tộc tại Mỹ.
Ông George Floyd, khi đó 46 tuổi, bị cảnh sát thành phố Minneapolis tình nghi sử dụng tờ 20 USD giả để mua thuốc lá. Nhóm cảnh sát khống chế và đè Floyd xuống đất. Viên cảnh sát Derek Chauvin đè đầu gối vào gáy Floyd trong hơn 9 phút. Floyd kêu cứu và hơn 20 lần nói ông không thể thở được. Khi xe cứu thương đến, Floyd đã bất động và qua đời khoảng một giờ sau đó. Cái chết của Floyd đã châm ngòi cho làn sóng biểu tình dữ dội, phản đối phân biệt chủng tộc và cải cách lực lượng cảnh sát Mỹ.
Brandon Williams, cháu trai của George Floyd, đã rơi nước mắt khi tham dự một cuộc họp báo vào ngày đầu tiên của phiên tòa xét xử vụ giết người của Derek Chauvin. (Ảnh: AP)
Sau phiên tòa kéo dài 3 tuần, bồi thẩm đoàn phán quyết Derek Chavin có tội trong cả 3 tội danh: Ngộ sát, Giết người cấp độ 2 và Giết người cấp độ 3. Tổng hình phạt cho 3 tội danh lên đến 75 năm tù, tuy nhiên tòa chưa tuyên mức án cuối cùng dành cho đối tượng này. Phóng viên đài truyền hình CNN có mặt bên ngoài tòa án thành phố cho biết, sau khi nghe phán quyết, hàng trăm người hô vang tên George Floyd và giơ những biểu ngữ ca ngợi công lý. Nhiều bé gái, bé trai da màu giơ cao nắm đấm nhỏ xíu trong niềm hân hoan.
Thực tế trong lịch sử Mỹ cho thấy, hiếm khi cảnh sát bị buộc tội giết người khi đang thi hành công vụ. Trong số 140 cảnh sát bị buộc tội trong các vụ nổ súng làm chết người kể từ năm 2005 đến nay, chỉ có 7 cảnh sát bị kết tội giết người và 37 người bị kết án với những tội danh nhẹ hơn, số còn lại được tuyên trắng án.
Cựu cảnh sát Derek Chauvin tại tòa. (Ảnh: AP)
Do đó, giới chuyên gia pháp lý cho rằng, phán quyết của tòa lần này sẽ khuyến khích các công tố viên sẵn sàng hơn trong việc buộc tội các nhân viên cảnh sát; gửi đi thông điệp rằng cảnh sát giờ sẽ bị giám sát chặt chẽ hơn và có nhiều khả năng bị kết án hơn nếu sử dụng vũ lực quá mức cần thiết.
Vì thế, phán quyết này được cho là bước ngoặt quan trọng trước thực trạng cảnh sát nổ súng làm chết người đang ngày càng gia tăng trong thời gian gần đây. Ngay sau phán quyết của tòa, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gọi điện cho gia đình George Floyd và khẳng định rằng, phân biệt chủng tộc là một vết nhơ đối với nước Mỹ. Công lý đã đạt được qua một quá trình đau đớn. Kết quả phiên xử sẽ thúc đẩy các nhà lập pháp thông qua dự luật cải cách những quy định của lực lượng cảnh sát Mỹ. Dự luật này sẽ là một phần di sản của George Floyd.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!