Viễn cảnh nào cho một thỏa thuận hạt nhân bền vững với Iran?

Thế giới hôm nay-Thứ ba, ngày 08/12/2020 06:00 GMT+7

VTV.vn - Các nước vùng Vịnh cần được tham vấn đầy đủ nếu một thỏa thuận hạt nhân giữa Mỹ và Iran được hồi sinh.

Tuyên bố được Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan đưa ra bên lề Hội nghị an ninh vùng Vịnh Manama lần thứ 16. Ông Farhan cho rằng, đó là con đường duy nhất để hướng tới một thỏa thuận bền vững.

Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 có tên đầy đủ là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Theo quan điểm của Saudi Arabia, thỏa thuận như hiện nay cho thấy nhiều thiếu sót, không giải quyết toàn diện các vấn đề liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran và các hoạt động khác. Chưa kể khung thời gian 10-15 năm của thỏa thuận này là quá ngắn.

Vì thế, Riyahd cho rằng có thể trông chờ vào thỏa thuận hạt nhân++, tức là bao gồm cả một số nước Trung Đông.

Ông Faisal Bin Farhan - Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia nói: "Tôi cho rằng chúng ta đã nhìn thấy hệ quả của việc không có các nước khu vực tham gia vào JCPOA, nó đã dẫn đến sự mất lòng tin và bỏ qua các vấn đề thực sự được quan tâm và có ảnh hưởng đối với an ninh khu vực. Vì thế, chúng tôi tin rằng cả chính quyền sắp tới của ông Biden, cũng như các đối tác khác như Liên minh châu Âu, đều đồng ý về sự cần thiết phải có tất cả các bên trong khu vực tham gia vào một giải pháp chung".

Viễn cảnh nào cho một thỏa thuận hạt nhân bền vững với Iran? - Ảnh 1.

Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia tin rằng chính quyền sắp tới của ông Biden sẽ ủng hộ thỏa thuận hạt nhân

Kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran hồi năm 2018 đến nay, các nước còn lại đã nhiều lần nỗ lực cứu vãn. Nhưng kết quả thực chất chưa có. Vậy viễn cảnh hồi sinh thỏa thuận này trong thời gian tới đến đâu, nhất là với sự tham dự sâu hơn của các nước khu vực Trung Đông.

Trung Đông hiện nay phần đông dự đoán rằng Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden sẽ không tự nhiên mà quay lại thỏa thuận hạt nhân với Iran. Dự đoán này dựa trên một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây của ông Biden với truyền thông Mỹ.

Ông Biden cho rằng tình thế của Iran đã thay đổi nhiều so với thời chính quyền Obama, rằng các chính sách của chính quyền Tổng thống Trump đã làm thúc đẩy Tehran phát triển tên lửa đạn đạo. Nó có nghĩa là ông Biden nhiều khả năng sẽ đòi hỏi Iran phải ngồi vào bàn đàm phán, rồi mới có chuyện dỡ bỏ cấm vận hay hồi sinh một thỏa thuận hạt nhân.

Trung Đông cũng dự đoán luôn ba vấn đề ông Biden nhiều khả năng sẽ đặt ra với Tehran, đó là các chương trình tên lửa đạn đạo của Iran; hành động của Iran trong khu vực và vấn đề nhân quyền. Tất nhiên lập trường thì có thể mềm mỏng hơn nhiều so với Tổng thống Trump, nhưng nếu mọi sự diễn ra theo hướng như vậy thì việc ngoại trưởng Saudi Arabia đề xuất một thỏa thuận hạt nhân mới, dù còn khá sơ khai, nhưng không phải không có cơ sở. Nhiều người cho rằng, những căng thẳng xoay quanh Iran rõ ràng không còn chỉ là câu chuyện hạt nhân. Ngoài ra những căng thẳng của Iran chủ yếu dính dáng tới các nước trong khu vực. Vậy thì sao các nước trong khu vực lại có thể bị đặt ngoài một tiến trình hòa giải, nếu có với Iran.

Viễn cảnh nào cho một thỏa thuận hạt nhân bền vững với Iran? - Ảnh 2.

Theo nhiều đồn đoán, thỏa thuận mới có thể được gọi là thỏa thuận hạt nhân 1+

Viễn cảnh thỏa thuận hạt nhân mới

Ngoại trưởng Iran Javad Zarif mới đây đã tuyên bố rõ ràng, sẽ không có chuyện Iran đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân. Nhưng người ta cũng hiểu rằng, với bất kỳ cuộc đàm phán nào, các bên cũng đều bắt đầu với những đòi hỏi ở mức cao, sau đó nhân nhượng là vừa. Không rõ Iran sẽ có thể nhân nhượng tới đâu, nhưng có mấy điều được cho sẽ khiến Iran ít nhất có động lực để đàm phán.

Thứ nhất, hiện các đối tác châu Âu như Pháp hay Đức đều đã thúc giục Iran ngồi vào bàn đàm phán. Iran có thể cứng rắn với Mỹ, nhưng sẽ rất khó nếu họ cự tuyệt với tất cả. Ngoài ra, tổng thống đắc cử Biden là người có một quan điểm mềm mỏng với Iran, theo hướng đối lập với tổng thống Trump. Iran nếu muốn một cơ hội bình thường hóa với Mỹ, chắc sẽ khó có lúc nào khác tốt hơn. Nó khiến Trung Đông cho rằng nếu một thỏa thuật hạt nhân mới là điều không thể với các bên, thì ít nhất các bên cũng có thể tạo ra một vài phụ lục, một vài thỏa thuận bổ sung, tạo tiền đề để bước sang một trang mới thân thiện hơn. Tất nhiên, thực tế như thế nào thì chỉ thời gian mới có thể trả lời.

Gần đây, Ngoại trưởng Đức khẳng định, cần phải đạt được một thỏa thuận hạt nhân mới rộng hơn, để kiềm chế chương trình tên lửa đạn đạo của Iran. Nước này cảnh báo thỏa thuận năm 2015 hiện giờ là không đủ nữa.

Theo nhiều đồn đoán, thỏa thuận mới có thể được gọi là thỏa thuận hạt nhân 1+, tức là giống như thỏa thuận ban đầu nhưng với nhiều điều kiện hơn, nhiều khả năng đã bắt đầu được đặt lên bàn họp. Thế còn đề xuất thỏa thuận ++ rộng hơn, với nhiều bên tham gia hơn như ý tưởng của Saudi Arabia hiện tại chưa dám chắc Iran và các nước khác có đồng tình hay không.

3 nước EU kích hoạt cơ chế tranh cãi với Iran về thỏa thuận hạt nhân 3 nước EU kích hoạt cơ chế tranh cãi với Iran về thỏa thuận hạt nhân Anh kêu gọi thay thế thỏa thuận hạt nhân Iran Anh kêu gọi thay thế thỏa thuận hạt nhân Iran EU cảnh báo thỏa thuận hạt nhân Iran có thể sụp đổ EU cảnh báo thỏa thuận hạt nhân Iran có thể sụp đổ

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước