Châu Phi đang phải vật lộn với tình trạng gia tăng các ca nhiễm COVID-19. (Ảnh: AP)
Cảnh báo của WHO được đưa ra trong bối cảnh "châu lục đen" đang phải vật lộn với làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ 3 và điều này sẽ đe dọa nghiêm trọng đến cơ sở hạ tầng y tế công cộng tại đây.
Theo Giám đốc WHO khu vực châu Phi, bà Matshidiso Moeti, nguyên nhân khiến châu lục này đang phải vật lộn với sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19 là do các quốc gia đã nới lỏng các biện pháp ngăn chặn tình trạng lây lan của virus SARS-CoV-2 và sự xuất hiện của các biến thể mới.
Bà Moeti cho biết, WHO đã triển khai việc đưa các chuyên gia y tế đến một số quốc gia đang trải qua đợt gia tăng ca nhiễm chưa từng có, trong đó có Uganda và Zambia, để tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, bao gồm chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Cùng ngày, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi), cơ quan phụ trách vấn đề y tế và chăm sóc sức khỏe của Liên minh châu Phi (AU), thông báo, 51 quốc gia ở lục địa này mua được khoảng 61,4 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó khoảng 48,6 triệu liều đã được tiêm cho người dân.
Theo CDC châu Phi, khoảng 1,12% dân số châu Phi đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ. Các quốc gia đã mua và tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân nhiều nhất là Marocco, Ai Cập, Nigeria, Algeria và Nam Phi.
Khoảng 1,12% dân số châu Phi đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ. (Ảnh: AP)
Tính đến ngày 24/6, số ca mắc COVID-19 được ghi nhận ở châu Phi là hơn 5,2 triệu người, trong đó có khoảng 139.200 trường hợp tử vong và trên 4,66 triệu bệnh nhân đã hồi phục. Nam Phi, Marocco, Tunisia, Ethiopia và Ai Cập là những quốc gia có nhiều ca bệnh nhất châu lục này.
WHO đang thảo luận với nhóm các công ty và tổ chức để thành lập một trung tâm chuyển giao công nghệ vaccine ở Nam Phi. Đây sẽ là Trung tâm công nghệ vaccine ngừa COVID-19 theo công nghệ mRNA đầu tiên tại châu Phi, với kỳ vọng cung cấp một lượng vaccine ổn định nhằm giúp châu lục này đối phó với dịch COVID-19.
Tổng Giám đốc WHO cho biết, tại các trung tâm chuyển giao, hoạt động được thiết lập ở quy mô công nghiệp, trong khi các nhà sản xuất có thể được đào tạo và nhận bất kỳ giấy phép cần thiết nào về công nghệ.
Trung tâm được đặt tại Nam Phi do công ty dược phẩm sinh học Biovac đóng vai trò là nhà phát triển, công ty công nghệ sinh học Afrigen sẽ là nhà sản xuất và một nhóm các trường đại học sẽ cung cấp bí quyết khoa học.
Có thể mất từ 9-12 tháng để những liều vaccine đầu tiên có thể được sản xuất ở Nam Phi bằng các quy trình đã được kiểm nghiệm và phê duyệt. Những lô vaccine đầu tiên dự kiến sẽ được sản xuất vào năm 2022.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!