Các công dân từ nước ngoài trở về Việt Nam đều được đưa vào khu cách ly để kiểm tra và theo dõi sức khỏe (Ảnh: TTXVN)
Đã 28 ngày qua Việt Nam không ghi nhận thêm ca lây nhiễm COVID-19 nào trong cộng đồng. Công tác phòng chống dịch luôn được triển khai kỹ lưỡng với sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng và cả người dân.
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam đã ứng phó dịch COVID-19 rất hiệu quả với số lượng bệnh nhân xác định mắc bệnh thấp.
WHO nhận định, những nỗ lực của Việt Nam trong việc ứng phó với dịch COVID-19 đạt hiệu quả là nhờ ba nhân tố: đầu tư trong giai đoạn "thời bình" - thời điểm dịch bệnh chưa bùng phát; kích hoạt sớm hệ thống ứng phó và cách tiếp cận toàn xã hội dưới sự lãnh đạo quyết liệt ở cấp cao nhất của Chính phủ.
Đầu tư trong giai đoạn "thời bình"
Theo điều lệ Y tế quốc tế (2005), viết tắt là IHR (2005), các quốc gia phải tăng cường năng lực cốt lõi nhằm phát hiện, đánh giá, báo cáo và kiểm soát các sự kiện y tế công cộng khẩn cấp có thể xảy ra.
Tiến sĩ Kidong Park - Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam - liệt kê những nhân tố quyết định sự thành công trong cuộc chiến chống COVID-19 tại Việt Nam
Trong nhiều năm qua, WHO đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng và tăng cường những năng lực cốt lõi này. Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể. Kết quả đầu tư trong giai đoạn "thời bình" đã thể hiện rõ ràng qua công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam.
Kích hoạt sớm hệ thống ứng phó
Theo WHO, Việt Nam đã chủ động và kịp thời ứng phó với dịch COVID-19 từ rất sớm. Việt Nam tiến thành đánh giá nguy cơ bùng phát dịch lần đầu vào đầu tháng 1, ngay sau khi Trung Quốc báo cáo về một chùm ca bệnh viêm phổi nặng không rõ nguyên nhân.
Việt Nam đã chính thức thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 do Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban, ngay lập tức thông qua kế hoạch ứng phó quốc gia và các hướng dẫn áp dụng từ Trung ương tới địa phương.
Kế hoạch ứng phó và các hướng dẫn kỹ thuật được sửa đổi và bổ sung liên tục dựa trên những bằng chứng khoa học cập nhật nhất để phù hợp với sự thay đổi của tình hình dịch. Ngoài ra, các nguyên tắc ứng phó với dịch tại Việt Nam cũng được thực hiện nghiêm túc và kiên định: phát hiện sớm (xét nghiệm) - điều trị - điều tra, lập danh sách tiếp xúc - cách ly.
Cách tiếp cận xã hội với sự chỉ đạo ở cấp cao nhất của Chính phủ
Việt Nam đã chọn cách tiếp cận toàn xã hội dưới sự chỉ đạo quyết liệt ở cấp cao nhất của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo quyết liệt, đúng đắn và kịp thời trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Các bộ, ban ngành và người dân Việt Nam cũng đã thực hiện nghiêm túc, giúp công tác ứng phó dịch hiệu quả hơn bao giờ hết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!