Huỳnh Minh Trang (23 tuổi) là một trong bốn cô gái của đội bơi nghệ thuật TP.HCM. Cô cùng đồng đội đang ngày đêm tập luyện để chuẩn bị cho giải đấu quan trọng nhất trong năm sắp diễn ra vào tháng 6 tại Singapore.
Trang và các VĐV khác đều phải tập cường độ cao hơn ngày bình thường. Địa điểm tập luyện tại hồ bơi Lam Sơn (Q.5, TP.HCM).
Đội bơi nghệ thuật của Trang lúc đầu có khoảng 20 người. Trải qua thời gian dài nhiều người không thể bám trụ lại đành tìm hướng đi khác, chỉ còn những người thực sự đam mê là gắn bó.
Sở dĩ môn bơi nghệ thuật có rất ít người theo đuổi vì quá trình tập luyện khổ cực. Mỗi ngày, các vận động viên phải ngâm mình dưới nước hơn 4 giờ luyện các bài múa, ngoài ra còn phải tập các bài thể lực tiêu tốn nhiều sức.
Để có thể đi thi đấu các giải lớn trong nước cũng như quốc tế, các VĐV phải được uốn nắn từ nhỏ. Trang tâm sự: "Có đôi lúc nghĩ đến việc nghỉ để đi theo con đường khác, nhưng vì quá đam mê nên đành gắn bó thêm ít năm nữa".
Ngày trước, đội bơi nghệ thuật của Trang đã giải tán vì gặp nhiều vấn đề. Tuy nhiên, Trang cùng ba vận động viên khác vẫn quyết định đi tập lại, không nhận bất kỳ khoản lương hay hỗ trợ nào.
Sau này, nhờ tập luyện tốt và có thành tích ở các giải đấu nên các vận động viên được hỗ trợ lương hàng tháng. Để theo đuổi môn này, các vận động viên phải hy sinh khá nhiều thứ. "Chúng em phải tạm gác việc học hành lại để theo đuổi đam mê, mỗi ngày đi tập về người mệt mỏi không còn đủ sức lực để đi học được nữa", Trang chia sẻ.
Gia đình Trang chỉ có mẹ và anh trai. Phụ huynh của cô cũng nhiều lần khuyên nhủ con nên tìm hướng đi khác vì các vận động viên của môn bơi nghệ thuật tuổi nghề ngắn. "Tôi đã xác định sẽ theo đuổi thêm vài năm nữa rồi nghỉ tìm công việc khác nên mẹ cũng ủng hộ và thường động viên tinh thần rất nhiều", nữ VĐV nói.
Ngoài những buổi tập, Trang tranh thủ học thêm nghề làm tóc để sau này khi giải nghệ có cái nghề sẵn trong tay sẽ không phải lúng túng đi tìm việc.
Môn bơi nghệ thuật vẫn chưa được quan tâm đầu tư nhiều, nên không thật sự phát triển. Điều kiện tập luyện của các vận động viên cũng gặp nhiều khó khăn và thiếu thốn.
Đội bơi nghệ thuật của Trang phải thuê tính theo giờ ở hồ bơi Lam Sơn. Nhưng phải vào buổi tối khi khách đã về hết mới có không gian tập luyện. Là những cô gái, nhưng việc gì cũng phải tự làm như kéo các dây cáp để làm chỗ tập.
Các VĐV môn bơi nghệ thuật ít gặp phải các chấn thương nặng, nhưng phải ngâm mình dưới nước lâu nên mắt thường bị đỏ và đau.
Hướng tới kỳ SEA Games 28, giải đấu quan trọng vào những năm cuối sự nghiệp của Trang, cô và đồng đội đặt ra mục tiêu sẽ thi đấu hết sức mình để có thể mang về một tấm huy chương đồng.