Từ khi Todd Boehly và nhóm đầu tư người Mỹ mua lại câu lạc bộ vào năm 2022 với giá 4,25 tỷ bảng, nhiệm vụ của họ là đưa Chelsea trở lại đỉnh cao của Premier League. Chiến lược của họ rất đơn giản: chi tiêu nhiều nhất có thể trong phạm vi luật lệ cho phép để đạt được thành công. Tuy nhiên, cách tiếp cận này chưa mang lại kết quả như mong đợi và nếu không cẩn thận, câu lạc bộ có thể gặp rắc rối tài chính trong tương lai.
Chelsea đã khéo léo tránh vi phạm các quy định PSR (Premier League's Profitability and Sustainability Regulations) hay được biết đến là quy tắc bền vững, lợi nhuận, luật công bằng tài chính cho đến nay và tiếp tục chi tiêu mạnh tay trong mùa hè này. Việc ký hợp đồng với tiền đạo Pedro Neto của Wolves với giá gần 60 triệu bảng đã đưa tổng chi tiêu mùa hè của họ lên trên 150 triệu bảng và được cho là chưa dừng lại ở đó. Tuy nhiên, không phải tất cả các bản hợp đồng đều thành công và có thể dẫn đến những sai lầm tốn kém. Những cầu thủ như Mykhailo Mudryk, Romeo Lavia và Wesley Fofana đã tiêu tốn gần 200 triệu bảng nhưng chưa tạo được dấu ấn nào trong đội hình chính của Chelsea.
(Pedro Neto là cầu thủ mới nhất được mua dưới thời Todd Boehly. Ảnh: Theo AP)
Tom Bason, chuyên gia tài chính bóng đá tại Đại học Coventry, tiết lộ rằng hợp đồng dài hạn được đưa ra cho những cầu thủ này được sử dụng như một công cụ để tránh vi phạm các quy định có thể trở lại gây khó khăn cho đội bóng của Enzo Maresca. "Các vụ chuyển nhượng bóng đá được ghi nhận không đối xứng", Bason nói. "Điều đó có nghĩa là chúng không được ghi nhận theo cùng một cách khi bán cầu thủ như khi mua cầu thủ".
"Khi bạn mua một cầu thủ, chi phí của cầu thủ đó được trải ra theo thời gian hợp đồng, tức là được khấu hao theo thời gian của hợp đồng." Ví dụ, một câu lạc bộ mua một cầu thủ với giá 20 triệu bảng và cầu thủ đó ký hợp đồng năm năm, thay vì chi phí 20 triệu bảng được tính toàn bộ ngay lập tức, số tiền 20 triệu bảng đó được trải ra trong năm năm của hợp đồng, tức là mỗi năm câu lạc bộ phải chi 4 triệu bảng".
(Mudryk là cầu thủ không mấy thành công tại Chelsea nhưng mức giá bỏ ra để mua về thì lại cao ngút trời. Ảnh: Theo AP)
Vấn đề mà các hợp đồng dài hạn của Chelsea gây ra là các cầu thủ có giá trị lớn không bị giảm giá trị trên sổ sách của câu lạc bộ, khiến việc cân đối tài chính trở nên khó khăn hơn. Các bản hợp đồng đắt đỏ có thể khó chuyển nhượng, vì câu lạc bộ sẽ định giá họ cao hơn giá trị thị trường. "Chi phí vẫn giữ nguyên", Bason khẳng định khi thảo luận về các giao dịch của Chelsea. "Chỉ là phí chuyển nhượng được trải ra theo thời gian hợp đồng. Tổng số tiền bạn phải trả vẫn giữ nguyên".
"Vấn đề mà Chelsea có thể gặp phải là do hợp đồng quá dài, giá trị giảm ít mỗi năm. Ví dụ, một cầu thủ như Mudryk, nếu anh ấy có giá 80 triệu bảng và ký hợp đồng tám năm, mỗi năm anh ấy mất 10 triệu bảng giá trị." Anh ấy sẽ được định giá khoảng 65 triệu bảng trên sổ sách (sau khi ký hợp đồng 18 tháng trước). Điều đó có nghĩa là để Chelsea kiếm lời từ việc chuyển nhượng anh ấy, họ phải bán anh ấy với giá hơn 65 triệu bảng".
"Đây có thể là vấn đề mà Chelsea gặp phải khi có các hợp đồng dài hạn như vậy và nếu một cầu thủ không thành công, giá trị khấu hao ít hơn mỗi năm và giữ giá trị cao hơn trên sổ sách"
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!