Phan Thị Hà Thanh: "Bí quyết của tôi là đam mê và khổ luyện"

Theo Việt Cường (Nhân dân)Cập nhật 18:15 ngày 19/10/2014

Phan Thị Hà Thanh là một trong số những VĐV vừa giành được thành tích vẻ vang cho thể thao Việt Nam tại ASIAD 17...

Ít nhất, tại ASIAD 2014, thể thao Việt Nam cũng đã đạt được những bước tiến rất đáng chú ý tại nhóm các môn cơ bản thuộc chương trình thi đấu Olympic. Trong đó, chắc chắn phải kể tới những tấm huy chương thể dục dụng cụ của Phan Thị Hà Thanh - người muốn cống hiến trọn đời cho môn thể thao này.

- Trước hết, xin được nhắc đến thành tích "lịch sử" cùng đội tuyển thể dục dụng cụ Việt Nam của Hà Thanh. Có điều gì chị muốn chia sẻ thêm quanh những tấm huy chương ấy không?

Thật sự, tôi đã rất tin vào khả năng mình sẽ đoạt được huy chương, cụ thể ở nội dung nhảy chống từng mang đến thành công ở nhiều giải quốc tế. Nhìn chung, tôi hài lòng. Chỉ có điều, nếu như tấm HCB cầu thăng bằng là một thành quả khó mong chờ gì hơn thì tấm HCÐ nhảy cầu lại khiến tôi khá thất vọng. Một phần vì mình chưa phát huy được cao nhất phong độ, phần nữa bị các trọng tài bắt quá "chặt" nên chỉ đoạt hạng ba. Ðáng ra, đó cũng có thể là một tấm HCB.

- Còn Huy chương vàng thì sao?

Tôi đặt ra cho mình mục tiêu chung giành huy chương, bất kể mầu gì. Tất nhiên, trong đó tôi cũng nuôi mộng HCV, với đích nhắm được đặt vào nội dung nhảy chống, bởi hy vọng là có khi mình đã nằm trong nhóm VÐV hàng đầu, cũng như kết quả còn phụ thuộc vào đặc thù thi đấu của thể dục dụng cụ. Dù vậy, trên thực tế, việc tôi không thể tạo nên bất ngờ cũng bình thường. Tôi chưa phải là ứng viên hàng đầu, và giữa tôi với một vài đối thủ mạnh nhất hãy còn một khoảng cách về độ khó, hiệu quả thực hiện, tính toàn diện và liên hoàn trong bài thi.

- Nhìn lại sự nghiệp, đâu là cột mốc quan trọng nhất đối với Thanh? Và đâu là bí quyết thành công?

Với tôi, có thể coi tấm HCÐ nhảy chống tại giải VÐTG năm 2011 đã tạo ra một cuộc vượt "ngưỡng". Chính nó đã giúp tôi có đủ sự tự tin và động lực để phấn đấu nâng mình lên ngang tầm với nhóm VÐV hàng đầu thế giới, chí ít là ở nội dung ấy. Nói thật, trước đó, không chỉ tôi mà cả thể dục dụng cụ Việt Nam đều chưa dám nghĩ đến việc có thể đoạt được huy chương châu Á, chứ chưa nói đến thế giới.

Bí quyết của tôi, mà chính xác hơn không phải chỉ của riêng tôi, là niềm đam mê và sự khổ luyện. Tôi đến với thể dục dụng cụ từ năm sáu tuổi, giờ đã 17 năm. Tôi hiểu rằng, so với một số đồng nghiệp ngay tại Việt Nam, chứ chưa nói quốc tế, mình không giàu tố chất bằng, nên chỉ còn cách bù lại bằng sự khổ luyện. Dù không thể tránh được sự buồn phiền hoặc thất vọng khi gặp chấn thương hay thất bại, song với tôi không hề có chuyện "nản". Riêng nhảy chống, để biến được thành một sở trường, có những động tác tôi đã phải tập đi tập lại ròng rã hằng ngày trong nhiều tháng, thậm chí cả năm, đến lúc nào đạt bằng được mới thôi. Cũng may mắn, vì những nỗ lực của mình cuối cùng đã được đền đáp.

- Năm nay Thanh 23 tuổi rồi nhỉ...

Vâng, một độ tuổi khá cứng với một môn khắc nghiệt như thể dục dụng cụ, nhưng tôi vẫn xác định sẽ cố gắng duy trì và phát huy thêm một số năm nữa.

Trước mắt tôi sẽ ưu tiên tập trung cao nhất cho đích giành một suất chính thức tham dự Olympic 2016, để nỗ lực tận cùng cho một tấm huy chương. Quá khó đúng không anh? Song, tôi còn hai năm nữa để nâng cao, hoàn thiện mình.

Còn về lâu dài, chắc chắn tôi vẫn sẽ gắn bó trọn vẹn với thể dục dụng cụ, chỉ với một tư cách khác là làm huấn luyện viên. Với tôi, thể dục dụng cụ thật sự là một mối duyên định mệnh đầy ngọt ngào.

- Vậy thì Hà Thanh hẳn cũng đã từng trăn trở về tương lai thể dục dụng cụ Việt Nam. Chúng ta đã vươn lên hàng đầu khu vực Ðông - Nam Á, tiếp cận tầm châu lục, trong một bối cảnh hãy còn nhiều khó khăn...

Nhiều chuyên gia, tuyển thủ quốc tế khi so sánh điều kiện với thành tích của chúng ta đều phải tròn mắt ngạc nhiên, vì theo họ đó là điều gần như "không tưởng". Rõ nhất, nhiều năm qua, ngay cả các tuyển thủ của ÐTQG cũng luôn phải "vượt khó" khi mà nhà tập xuống cấp trầm trọng, các trang thiết bị dụng cụ vừa thiếu vừa cũ, đến nỗi thậm chí chúng tôi còn phải "chia lượt" mà tập luyện.

Tuy nhiên, điều tôi thấy lo lắng nhất lại là vấn đề về nền tảng phát triển. Phong trào ngày càng hẹp, số VÐV theo tập ngày càng ít, nhất là nữ. Thể dục dụng cụ nữ hiện tại chỉ có đúng ba đơn vị là Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh đầu tư, với số VÐV các tuyến rất khiêm tốn, mà càng lên cao càng hẻo. Giờ chị Ngân Thương đã nghỉ, và rồi cũng phải đến lượt tôi, mà phía sau vẫn chưa thấy nhân tố mới thay thế.

- Vậy thì...?

Theo tôi, thể dụng dụng cụ đang có một "đà" cực tốt để tạo ra một cuộc đột phá về mọi mặt, từ chân đế cho đến mũi nhọn đỉnh cao. Dù ÐTQG đã được ưu tiên tập huấn thi đấu cọ xát quốc tế tối đa, cũng như thuê chuyên gia ngoại chất lượng cao, song tôi vẫn mong ngành thể thao quan tâm đến việc cải thiện điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ, cũng như nâng cao một số chế độ dinh dưỡng, y tế đặc thù.

Tôi rất mong thể dục dụng cụ sẽ nhận được sự nhìn nhận, đầu tư thích đáng với sứ mệnh là một trong 10 môn trọng điểm nhóm Một của Thể thao Việt Nam. Chứ như hiện tại, quả thật ngoại trừ ÐTQG, mà chính xác hơn là ngoài một số trụ cột như tôi, thể dục dụng cụ thậm chí còn đang chịu nhiều thua thiệt, một cách cơ bản, so với mặt bằng chung các môn khác.

Xin cảm ơn Hà Thanh.

Cả nước chưa có nổi... 30 "Công chúa"

Do đòi hỏi khắc nghiệt của môn (cực khó và lâu mới có thành tích) nên TDDC nữ Việt Nam ngày càng giảm sút lực lượng, đặc biệt là những mũi nhọn vươn ra quốc tế. Cả nước hiện có chưa đầy 30 VÐV của đúng ba đơn vị đang tập luyện, thi đấu môn này. Ðã thế, một bộ phận trong đó lại thường trực khả năng chia tay thảm đấu bất cứ lúc nào vì chán nản, hay trình độ đã "chạm trần". Tuyển quân đã khó, tập luyện lại vất vả, song tuyệt nhiên không có bất cứ chế độ ưu đãi nào. Giới chuyên môn đều thừa nhận trong bi quan rằng chưa thể biết đến bao giờ mới có thêm những "Ngân Thương mới" hay "Hà Thanh mới".

"Bàn tay bà già"

Ðây chính là một trong những điểm đặc trưng của các nữ VÐV thể dục dụng cụ, mà Hà Thanh là thí dụ. Nhìn mặt trẻ trung như thế, ít ai biết bàn tay của Thanh lại hệt như của một bà già, với lòng bàn tay nhăn nheo, sần sùi. Nó dày gấp mấy lần người thường, hậu quả của vô số vết chai sần chồng lên. Ðến nỗi mà các đường rãnh hay vân tay trên đó đã mờ hết cả, như lời đùa vui mà nghe xót xa của chính Thanh thì "hết cơ hội xem... bói".

17 năm "bám tay vào xà đơn, xà kép, ngựa vòng..." đã tạo nên bàn tay lão hóa ấy. Trong đó, "khiếp nhất chính là những động tác xoay tay trên xà kép, mỗi lần thực hiện như thể một lần "bào" lại mặt tay, đau nhói và buốt đến tận óc".

Đội tuyển Việt Nam bước vào buổi tập đầu tiên trong đợt tập huấn tại Hàn Quốc

0 0 Xem thêm

VTV.vn - Chiều 23/11, đội tuyển Việt Nam đã bước vào buổi tập đầu tiên trong đợt tập huấn tại Hàn Quốc, chuẩn bị cho giải vô địch Đông Nam Á – ASEAN Mitsubishi Electric Cup 2024.

Tổng hợp: Vòng chung kết EURO 2016
1 1 1