Một chiến thắng lịch sử trước người Nhật chỉ có thể đến với U19 Việt Nam nếu như các cầu thủ thực sự biết cách đứng bằng chính đôi chân của mình.
Cách đây 2 ngày, U19 Việt Nam vừa khiến cả cầu trường Mỹ Đình như nổ tung với chiến thắng vang dội 4-1 trước đối thủ kình địch U19 Myanmar. Một thế trận áp đảo hoàn toàn của đội chủ nhà với 4 bàn thắng được ghi đều là 4 siêu phẩm. Đã lâu lắm rồi, người hâm mộ Việt Nam mới lại thực sự được sống cùng không khí bóng đá cuồng nhiệt đến như vậy.
Chẳng thế mà giờ đây, người hâm mộ đang thực sự hy vọng vào một chiến thắng lịch sử của U19 Việt Nam trước đối thủ hàng đầu châu Á – U19 Nhật Bản. Tại sao không khi U19 Myanmar cũng đã từng làm được điều này hồi đầu năm nay và chúng ta là những người vừa vượt qua chính U19 Myanmar?
Dĩ nhiên, tâm lý tự tin là hành trang các cầu thủ nên được trang bị khi bước vào những cuộc đấu lớn, song, điều U19 Việt Nam cần làm lúc này là miễn nhiễm trước những sự kỳ vọng có phần cường điệu hóa từ người hâm mộ. Chiến thắng trước U19 Nhật Bản, chỉ có thể đến, nếu các cầu thủ của chúng ta giữ được đôi chân của chính mình trên mặt đất trong suốt 90 phút tới tại Mỹ Đình – chứ không phải lơ lửng trên mây xanh trước những mỹ từ được truyền thông ban tặng.
So với đội hình từng đả bại U19 Việt Nam 7-0 cách đây hơn 8 tháng, U19 Nhật Bản chỉ mang có 4 cầu thủ cũ ở giải U19 Đông Nam Á. Những ngôi sao chủ lực của họ như chân sút Takumi Minamoto còn đang bận dự giải J-League hoặc có thể đang giữ sức cho giải U19 châu Á được tổ chức tại Myanmar cuối tháng 10 tới. Tuy nhiên, kết cục cuộc đối đầu Việt - Nhật vẫn không khác trước – một thất bại cho U19 Việt Nam.
Dễ nhận thấy, U19 Việt Nam đang chơi theo kiểu lấy công bù thủ và thiếu vắng đi những cầu thủ có chất thép trong đội hình. Hàng công với Văn Toàn, Công Phượng, Phan Văn Long, Lương Xuân Trường, Tuấn Anh… đều đang khiến người hâm mộ đi hết từ bất ngờ này đến cảm xúc thăng hoa khác, tuy nhiên, hàng thủ của U19 Việt Nam lại chơi mờ nhạt và chưa tạo được cảm giác an tâm cho người hâm mộ.
Ở cuộc đọ sức với U19 Myanmar, ngoài sự xuất sắc của thủ môn Văn Trường với những tình huống cứu thua xuất sắc, hàng thủ U19 Việt Nam chơi chưa thể gọi là tốt. Những pha ban bật bên phần sân nhà của các cầu thủ đội chủ nhà vẫn đôi lần khiến người hâm mộ phải thót tim. Và nếu chính xác hơn trong những tình huống dứt điểm, có lẽ, U19 Myanmar đã có thêm được ít nhất là 2 bàn thắng.
Lại nói về đối thủ của chúng ta trong trận chung kết, U19 Nhật Bản dự giải năm nay dù không quá nổi bật song họ lại đang thể hiện được một sự già dơ, bản lĩnh trong những thời điểm quyết định. 90 phút thi đấu với U19 Việt Nam tại vòng bảng, họ hoàn toàn làm chủ cuộc chơi – ngay cả trong thời điểm chúng ta có được những bàn rút ngắn tỷ số.
Đối phương là những người chơi bọc lót cho nhau rất tốt. Trong sơ đồ của U19 Nhật Bản, tiền vệ mang áo số 7 – Oyama thường lùi rất sâu để chơi ngay trên hai trung vệ. Tiền vệ trụ này liên tiếp tực hiện được những pha băng cắt chuẩn xác để giảm thiểu sự nguy hiểm của hàng công U19 Việt Nam. Dù là "tác giả" dẫn tới việc Văn Toàn bị đốn ngã trong vòng cấm, thế nhưng, trước đó, Oyama đã không ít lần truy cản thành công những tình huống có bóng của Công Phượng. Và suy cho cùng, Oyama cũng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của BHL U19 Nhật Bản đó là một chiến thắng.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, những bàn thắng của U19 Nhật Bản ghi được trong trận gặp U19 Việt Nam tại vòng bảng đầu xuất phát từ việc chúng ta dâng cao đội hình để lộ khoảng trống. Trước khi lập công, cả Masaomi và Sota đều thoải mái chuyền bóng với đồng đội để sau đó ghi bàn.
Nhìn chung, U19 Việt Nam đang có sự hưng phấn về mặt tâm lý, tuy nhiên, để đánh bại được U19 Nhật Bản, tự tin thôi vẫn chưa đủ. Điều quan trọng là các cầu thủ của chúng ta cần phải đứng được trên mặt đất và biết được mình là ai. Chỉ khi những điểm mạnh được phát huy, những điểm yếu được khắc phục, một chiến thắng lịch sử mới thực sự đến với U19 Việt Nam!