V-League 2013: 'Nín thở qua đò'

Hữu Quý (TT&VH)Cập nhật 18:00 ngày 03/08/2013

 Ơn trời, sân Thanh Hóa chưa làm vỡ giải để còn có cơ hội cho ban tổ chức và nhiều bộ phận của họ được cơ hội ngồi với nhau mổ băng và ra kết luận trọng tài đúng.

Trong những vòng còn lại của V-League 2013, chắc sẽ còn những pha thót tim với cơ quan tổ chức giải, Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và đơn vị điều hành Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF). Điểm bùng phát khiến nguy cơ giải có thể vỡ, không gì khác vẫn là vấn nạn trọng tài, có lẽ còn nhiều phiên bản của sân Thanh Hóa, và ban tổ chức giải có thể phải mổ băng dài dài.

Ai sẽ chịu trách nhiệm, về những sự cố liên quan đến vấn đề trọng tài? VPF? Chắc chắn là vậy, vì họ là đơn vị tổ chức, điều hành mùa giải.

Vậy thì, những người ra quyết định tạm thời đỉnh chỉ nhiệm vụ của hai ông trưởng phó ban trọng tài, tại sao không chịu trách nhiệm? Trọng tài và Ban trọng tài là người của VFF, chứ không phải là của VPF. Đấy là điều mà lâu nay rất nhiều người ngộ nhận, lầm tưởng nên khi quy trách nhiệm đã không được phân minh, công bằng, nhiều định kiến với giới trọng tài nói chung.

‘ V-League bao giờ mới hết những cảnh tượng thế này?

Khi chính hoạt động của Ban trọng tài vẫn tồn tại kiểu hành xử chưa được công bằng từ cấp trên của họ. Đến ông trưởng cùng phó ban còn bị đối xử như thế, thì làm sao có thể tránh được những quyết định chưa chuẩn mực trên sân cỏ, và cả những động thái chưa đúng đắn cần thiết của một trọng tài, trong quan hệ với các đội bóng.

Cho đến nay, vẫn chưa ai trả lại danh dự (và cả chức vụ) cho các ông Dương Vũ Lâm và Đoàn Phú Tấn. Vẫn là “sự im lặng đáng sợ”, trong nghi án bốn trọng tài bị tố nhận hối lộ, khiến người ta ngờ ngợ có động cơ không bình thường.

Trong bối cảnh giới trọng tài hoạt động kiểu rắn mất đầu, không có sự an tâm, làm sao công tác trọng tài có thể tốt lên được. Có lẽ chưa giải chuyên nghiệp nào trên thế giới, người ta lại tự tin đến mức hơn một mùa giải mà không cần đến hai nhân vật cao cấp của tổ chức trọng tài. Hiếm có kiểu hành xử thiếu rõ ràng, thuyết phục, như cái cách mà ông Dương Vũ Lâm cùng Đoàn Phú Tấn đang phải gánh chịu.

Do đó, khó hy vọng những vòng tới, công tác trọng tài sẽ tốt lên. Tương tự, khi xảy ra sự cố trọng tài, quy trình mổ băng sẽ chuyên nghiệp và cho ra những kết quả trung thực. Đơn giản, nếu không có sự thỏa hiệp với các sự cố, căn cứ vào tiền lệ, giải khó hạ cánh an toàn.

Không chỉ những vấn nạn liên quan đến trọng tài, nỗi ám ảnh về các trận cầu có mùi, liên quan đến các biểu hiện tiêu cực, đang có nguy cơ bùng nổ trong những vòng đấu cuối.

Những nhà điều hành giải dù có những công cụ để xử lý tiêu cực, nhưng khó có thể làm mạnh tay khi tiếp tục đụng phải vấn đề nhạy cảm nhất: sợ vỡ giải. Nhìn lại các đoạn kết mỗi mùa, nỗi thất vọng lớn nhất vẫn là sự thỏa hiệp của ban tổ chức, Ban kỷ luật với các trận cầu bị dư luận chỉ trích dữ dội vì tình nghi tiêu cực.

Thật đáng tiếc khi lượt đi, V-League 2013 đã có những khởi sắc mạnh mẽ. Hàng loạt trận cầu có chuyên môn cao, khán giả đến sân đông và đều, công tác trọng tài cơ bản là tốt… Vậy mà tất cả đang đi xuống quá nhanh từ lượt về, sau khi có nhiều xáo trộn từ hệ thống vĩ mô, trong đó có trọng tài. Nếu không có sự ổn định, đồng thuận từ bên trên mang tính bản mẫu, rất khó để hoạt động bóng đá chuyên nghiệp diễn ra trôi chảy.

Nín thở qua đò, không còn cụm từ nào phản ánh chính xác hơn tâm trạng của những người có trách nhiệm với giải chuyên nghiệp lúc này.

Tổng hợp: Vòng chung kết EURO 2016
1 1 1