Intel theo đuổi cuộc chơi di động

PC World-Thứ sáu, ngày 29/05/2015 15:00 GMT+7

CEO Intel Brian Krzanich.

VTV.vn - Dù vẫn còn là cái bóng mờ nhạt trên đấu trường di động nhưng Intel vẫn đang nỗ lực theo đuổi cuộc chơi.

Những ngày này, chúng ta đang sống trong một thế giới bao quanh bởi những thiết bị thông minh có khả năng tính toán và kết nối Internet, phục vụ nhu cầu sử dụng đa dạng cho cả công việc và giải trí, từ PC, máy tính bảng, smartphone cho đến những thiết bị gia dụng trong nhà thông minh, thiết bị đeo như là một phần của cái gọi là Internet of Things (IoT).

Tất cả đều tính toán và kết nối, đó như là một thứ tôn giáo, theo lời khẳng định của Phó Chủ tịch và là Tổng Giám đốc nhóm thiết bị di động và truyền thông không dây của Intel, bà Aicha Evans, trong buổi trả lời phỏng vấn với Anandtech tại Hội nghị di động toàn cầu MWC 2015 mới diễn ra hồi đầu tháng 3 tại Barcelona, Tây Ban Nha. Bà cũng nhìn nhận rằng, mọi thiết bị tính toán dùng trong môi trường doanh nghiệp hay cho mục đích sử dụng cá nhân, nếu thiếu kết nối Internet đều trở nên vô nghĩa, cho dù đó là PC, máy tính bảng, smartphone hay bất cứ thiết bị IoT nào. Thiết bị tính toán thời nay sẽ chẳng có nghĩa lý gì nếu thiếu kết nối không dây, đó có thể là Wi-Fi, Bluetooth, NFC, 3G và đang tới thời 4G LTE.

Thực ra đây không phải là điều phát hiện mới mẻ. Các đây vài năm, khi thị trường smartphone bắt đầu bùng nổ, với ưu thế tiêu thụ năng lượng thấp, chip ARM có mặt khắp nơi để thực hiện việc tính toán, và duy trì kết nối thường xuyên cho các thiết bị, Intel đã nhận ra rằng họ cần tập trung vào những công nghệ di động và điện năng thấp bên cạnh những giải pháp tính toán hiệu năng cao.

Cho đến nay, Intel vẫn đang vật lộn trong cuộc chiến cạnh tranh với ARM, và đã có những bước tiến đáng ghi nhận về nền tảng di động, tích hợp truyền thông không dây cùng chip xử lý. “Tính toán” và “kết nối” song hành trong cuộc chơi di động, và Intel đang phải đuổi theo xu hướng chủ đạo này. Đã qua rồi cái thời Intel làm chủ cuộc chơi khi PC còn là trung tâm và hiệu năng tính toán là trên hết.

SoC di động mới của Intel tích hợp LTE

Tại MWC 2015, CEO Intel Brian Krzanich đã công bố loạt bộ xử lý mới Atom x3, x5 và x7 tích hợp trong các SoC mới nhất tiêu thụ năng lượng thấp của Intel. Atom x3, tên mã “SoFIA”, được thiết kế cho smartphone và máy tính bảng giá rẻ. Trong khi đó, Atom x5 và x7, tên mã “Cherry Trail”, nhằm vào máy tính bảng cao cấp và thiết bị lai “2-trong-1”.

Intel cho biết, thế hệ chip Atom mới kết hợp bộ xử lý 64-bit đa nhân với các bộ xử lý cảm biến, hình ảnh, đồ họa, âm thanh, kết nối 3G hay 4G LTE và quản lý năng lượng các thành phần trong một hệ thống chipset duy nhất sẽ cho phép nhà sản xuất cung cấp đầy đủ tính năng cho máy tính bảng, phablet, và smartphone phù hợp cho nhiều phân khúc thị trường. Bộ xử lý Atom x3 tích hợp 3G được Intel cung cấp trong nửa đầu năm nay cho các thiết bị có khoảng giá 75 – 249 USD. Phiên bản tích hợp LTE của các bộ xử lý này sẽ bắt đầu có cho các nhà sản xuất OEM trong nửa sau của năm.

Intel đã tích hợp modem và bộ xử lý ứng dụng trên cùng SoC, điều còn thiếu trước đây khiến hãng tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh. Giờ thì Intel đã có thể theo kịp cuộc chơi di động với modem tích hợp LTE đầu tiên của hãng là Intel XMM 7160, sau đó là Intel XMM 7260, và vài tháng nữa là Intel XMM 7360. Nhưng thực tế là Intel đã đi sau nhiều năm so với các đối thủ mạnh như Qualcomm, và các lãnh đạo của Intel cũng đã thừa nhận sự chậm chân này.

Dùng giấy phép ARM, tăng cường hợp tác

Intel cho biết, Atom x3 chạy tốt với các nền tảng Android và Windows. Khác với truyền thống tự phát triển công nghệ cho chip mới, Intel đã cậy nhờ đến công nghệ đồ họa Mali dựa trên nền tảng ARM được tích hợp trong Atom x3 theo kiến trúc x86 cho các dòng smatphone giá rẻ.

Intel thống trị thị trường bộ xử lý cho PC nhưng trên địa hạt di động thì chip ARM đang làm chủ với ưu thế tiêu thụ năng lượng thấp. Việc sử dụng giấy phép công nghệ của ARM là một chiến thuật tạm thời của Intel trong nỗ lực nhanh chóng mở rộng sự hiện diện của mình trên thị trường smartphone và máy tính bảng đang bị ARM áp đảo. Giấy phép công nghệ đồ họa Mali là từ công ty Infineon Wireless mà Intel đã thâu tóm trong năm 2011. Mặc dù công nghệ đồ họa này có thể đã cũ, nhưng cơ bản đủ để đáp ứng cho các dòng smartphone thuộc phân khúc giá rẻ.

Đồ họa Mali đã được sử dụng trên nhiều smartphone giá rẻ, và đã có nhiều ứng dụng tương thích. Nhân đồ họa của ARM đã có sẵn, giá rẻ và dễ triển khai sẽ tiết kiệm thời gian cho Intel thay vì phải tự phát triển nhân đồ họa tiêu thụ năng lượng thấp.

Việc sử dụng nhân đồ họa của ARM không có nghĩa là Intel đang gia tăng sự hợp tác với đối thủ, bà Aicha cho biết. Nhưng Intel cũng đang hợp tác với hãng sản xuất chip Trung Quốc Rockchip để thiết kế một số chip Atom x3. Rockchip chủ yếu cung cấp chip ARM cho các thiết bị di động giá rẻ. Với sự cấp phép của Intel, Rockchip sản xuất Atom x3, phiên bản gọi là 3G-R, cũng tích hợp 3G nhưng mạnh hơn phiên bản x3 của Intel. Atom x3 còn một phiên bản nữa tích hợp LTE, sẽ có vào nửa sau của năm nay, để cạnh tranh với sản phẩm của Qualcomm.

Nỗ lực thu hẹp khoảng cách với đối thủ

Ban lãnh đạo Intel thừa nhận họ đang đi sau Qualcomm. Nhưng với sự ra mắt của Atom x3, bà Aicha cho rằng Intel đang thu hẹp khoảng cách với đối thủ, dù bà luôn đánh giá cao những gì Qualcomm đã làm được. Bà cũng bày tỏ sự khâm phục về sự thành công của nhà sản xuất chip Đài Loan MediaTek. Tuy nhiên, bà cho rằng đây là một thị trường rất lớn và Intel đang có những bước tiến vững chắc, và sẽ tăng nhịp độ tung ra sản phẩm mới cho thị trường di động.

Bà Aicha cũng cho rằng để chạy đua vị trí dẫn đầu, cái mà Intel đang cần là khối lượng lớn sản phẩm. Trong năm 2014, Intel đã tiêu thụ được 46 triệu bộ xử lý cho máy tính bảng, một kết quả khả quan và vô cùng quan trọng đối với công ty. Tuy nhiên, đó là nhờ chương trình trợ giá của Intel để các nhà sản xuất máy tính bảng giá rẻ dùng chip của mình. Năm nay, Intel không đặt vấn đề trợ giá cho chip smartphone, nhưng bà cho rằng chính sách vẫn có thể được duy trì với một số lượng nhỏ. Bà cũng bày tỏ tin tưởng vào chip Intel đã hỗ trợ nhiều giao tiếp, như NFC, GNSS, Wi-Fi+LTE và cả LTE+WiGig.

Chuyển sang qui trình sản xuất chip theo công nghệ 14 nm cũng là bước chuyển biến tích cực. Những dòng chip Atom “Cherry Trail” x5 và x7 sẽ được Intel sản xuất trên dây chuyền công nghệ 14 nm, chúng sẽ có mức tiêu thụ năng lượng tương đương thế hệ Atom “Bay Trail” tiền nhiệm sản xuất theo qui trình 22 nm. Đây không phải là điều đáng ngạc nhiên, theo Josh Newman, giám đốc mảng máy tính bảng và thiết bị 2-trong-1 của Intel. Ông cho rằng các nhà sản xuất máy tính bảng nên tập trung vào hiệu suất thay vì mức tiêu thụ năng lượng. Các dòng Atom x5 và x7 dùng đồ họa Generation 8 của Intel, cải tiến đáng kể về năng lực xử lý đồ họa, giúp tăng trải nghiệm người dùng.

Đoàn tàu di động vẫn lao nhanh về phía trước và Intel đang cố gắng bắt nhịp cuộc chơi.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước