Nhiều doanh nghiệp tham gia Hội thảo VKFTA

TL-Thứ năm, ngày 21/05/2015 14:50 GMT+7

VTV.vn - Sáng nay (21/5), tại Hà Nội, Hội thảo về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) đã diễn ra, thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp.

Với chủ đề “Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc: Nội dung cam kết và tác động tới doanh nghiệp Việt Nam”, Hội thảo nhằm kịp thời thông tin cho các doanh nghiệp về những nội dung cam kết trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA), tạo điều kiện giúp doanh nghiệp chuẩn bị chiến lược kinh doanh từ bây giờ để tận dụng các lợi ích từ Hiệp định trong thời gian chờ có hiệu lực.

VKFTA chính thức được Việt Nam và Hàn Quốc ký kết vào ngày 5/5 vừa qua. Đây là Hiệp định thương mại (FTA) thế hệ mới đầu tiên trong số 7 FTA mà Việt Nam đang đàm phán chính thức được ký kết. Không chỉ là nước xuất khẩu lớn thứ 5 và nhập khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam trong năm 2014, Hàn Quốc còn là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam trong nhiều năm qua và đang trở thành đối tác thương mại quan trọng của nước ta. Vì thế, việc ký kết VKFTA với Hàn Quốc giúp mở thêm nhiều cơ hội lớn về xuất nhập khẩu và hợp tác đầu tư cho các doanh nghiệp Việt Nam với thị trường của quốc gia này.

Việt Nam - Hàn Quốc ký hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc ký hiệp định Thương mại tự do

Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Thương mại Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Yoon Sang-jick đã ký kết chính thức Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc.

Tại buổi Hội thảo, ông Phạm Khắc Tuyên – Trưởng phòng Đông Bắc Á, Vụ Thị trường châu Á – Thái Bình Dương, thuộc Bộ Công Thương đã nêu rõ và phân tích cụ thể những nội dung trong VKFTA. Theo ông Tuyên, Hiệp định này gồm 17 Chương, 208 Điều, 15 phụ lục và 1 Thỏa thuận thực thi quy định. Các nội dung chính của Hiệp định gồm Thương mại hàng hóa, Thương mại Dịch vụ, Đầu tư, Sở hữu trí tuệ, Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, Quy tắc xuất xứ, Thuận lợi hóa hải quan, Phòng vệ thương mại, Hàng rào kỹ thuật trong thương mại, Thương mại Điện tử, Cạnh tranh, Hợp tác kinh tế, Thể chế và Pháp lý.

Ông Phạm Khắc Tuyên – Trưởng phòng Đông Bắc Á, Vụ Thị trường châu Á – Thái Bình Dương, thuộc Bộ Công Thương (phải) trong buổi Hội thảo.

Ông Phạm Khắc Tuyên – Trưởng phòng Đông Bắc Á, Vụ Thị trường châu Á – Thái Bình Dương, thuộc Bộ Công Thương (phải) trong buổi Hội thảo.

Trong đó, ông nhấn mạnh: “Chương Đầu tư là một trong những Chương quan trọng của VKFTA, với phạm vi áp dụng rộng và sâu hơn Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc, và Hiệp định Đầu tư trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA) gồm các quy định về đối xử quốc gia, tối huệ quốc, nhân sự quản lý cao cấp, cấm đưa ra các yêu cầu về kết quả hoạt động, tước quyền sở hữu, bồi thường thiệt hại, chuyển tiền, thế quyền, từ chối lợi ích. Danh mục bảo lưu về các quy định pháp luật của mỗi bên sẽ được xây dựng trong vòng 1 năm từ thời điểm VKFTA có hiệu lực”.

Ông Phạm Khắc Tuyên còn giải đáp một số thắc mắc của các doanh nghiệp về VKFTA và chia sẻ với các doanh nghiệp một số phương thức làm việc để đạt được hiệu quả tốt hơn với đối tác Hàn Quốc, cũng như những lưu ý cần thiết khi tiếp cận thị trường Hàn Quốc đối với một số mặt hàng cụ thể. Những điều này được ông Hongsun – Tổng thư ký Phòng thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam – đánh giá cao, đồng thời khẳng định Việt Nam cũng là một trong những quốc gia được Hàn Quốc đầu tư nhiều nhất. Ông Hongsun bày tỏ mong muốn hai bên sẽ ngày càng hợp tác mạnh mẽ hơn.

Ông Hongsun – Tổng thư ký Phòng thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam.

Ông Hongsun – Tổng thư ký Phòng thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam.

Ngoài ra, Hội thảo còn có sự tham gia của bà Đào Thu Hương và bà Nguyễn Thu Giang, đến từ phòng Hội nhập Kinh tế quốc tế, Vụ Hợp tác quốc tế, thuộc Bộ Tài chính. Cả hai đã phân tích về các cam kết thuế quan trong nội dung của VKFTA, từ đó nêu ra cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp. Theo bà Đào Thu Hương và bà Nguyễn Thu Giang, năng lực cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn ở mức thấp, các ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển. Hơn nữa, xu hướng tự do hóa thương mại khiến đối tác các nước cùng tham gia vào thị trường Việt Nam sẽ tạo ra mức độ đào thải cao với doanh nghiệp trong nước. Đó là thách thức không nhỏ với doanh nghiệp trong bối cảnh tự do hóa thương mại hiện nay.

Tuy nhiên, VKFTA cũng là cơ hội để các doanh nghiệp nhìn lại chính mình, có những thay đổi công nghệ mới, tạo tư duy làm ăn mới, nâng cao năng suất lao động, góp phần đẩy nhanh quá trình cải cách, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng hiệu quả, đồng thời giúp người tiêu dùng được sử dụng hàng hóa nhập khẩu và nội địa có chất lượng tốt hơn, giá rẻ hơn.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước