Mới đây, tại Hà Nội đã xảy ra vụ cháy kinh hoàng tại một công ty trong Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh và kéo dài nhiều giờ khi lan sang khu nhà kho công ty gỗ rộng hơn 10.000m2. Dù đã huy động gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ chữa cháy tại hiện trường nhưng kết quả cũng không mấy khả quan. Báo cáo thiệt hại ban đầu do vụ cháy gây ra khoảng 130 tỷ đồng, lớn gần gấp 3 lần so với 126 vụ cháy nổ xảy ra ở Hà Nội từ đầu năm tới nay.
Sau vụ cháy ở Khu công nghiệp Quang Minh vài giờ, vào khoảng 21h45, một vụ cháy khác xảy ra tại khu đô thị Nam Trung Yên. Đây là khu vực tập trung nhiều hàng ăn, gara ô tô chứa nhiều hóa chất, vật dụng dễ bắt lửa, nếu không xử lý kịp thời, nguy cơ cháy nổ rất cao. Hàng chục chiến sĩ cảnh sát phòng cháy, chữa cháy cùng 20 xe cứu hỏa đã có mặt tại hiện trường để tham gia dập lửa. Nhưng phải đến 23h45 cùng ngày, đội cứu hỏa mới cơ bản khống chế được đám cháy.
Lý giải cho việc vì sao mất nhiều thời gian như vậy mới dập được lửa trong các vụ cháy, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP Hà Nội cho biết, ngoài nguyên nhân khách quan do thời tiết hanh khô, gió mạnh, đám cháy xảy ra trên diện rộng, quá tầm kiểm soát, còn có nguyên nhân chủ quan. Hai khu vực nêu trên đều thiếu nguồn nước chữa cháy.
Một vấn đề khác cũng đáng lo ngại là thời gian gần đây, tình hình cháy nổ do hóa chất đang diễn biến phức tạp. Theo thống kê của TP.HCM, từ đầu năm đến nay, đã có 4 vụ cháy nổ hóa chất xảy ra trên địa bàn, làm chết hàng chục người, thiệt hại hơn 34 tỷ đồng. Điều đáng chú ý là dù đã có hàng loạt quy định và chế tài về phòng cháy chữa cháy, nhưng thực tế rất ít trường hợp bị xử lý bởi hầu hết, thủ phạm đều thiệt mạng trong các vụ cháy nổ.
Không ít vụ nổ hóa chất gây thiệt hại về người, nhưng đến nay cả nước vẫn chưa có thống kê cụ thể có bao nhiêu doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất nằm xen kẽ trong khu dân cư. Không những thế, các quy định về khoảng cách an toàn đối với các cơ sở này hiện cũng chưa có quy định cụ thể, vì vậy, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ trong lĩnh vực này là rất cao.
Gần đây nhất là vụ nổ hóa chất xảy ra ở Chi nhánh của Công ty Đặng Huỳnh, Q.12, TP.HCM khiến 3 người chết, hàng chục người bị thương và ảnh hưởng hơn 150 căn nhà xung quanh. Và chỉ đến khi vụ nổ gây hậu quả nghiêm trọng thì trách nhiệm quản lý việc kinh doanh, sản xuất lĩnh vực này mới được các cơ quan chức năng nhắc đến.
Theo thống kê của Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, tính đến hết tháng 9/2014, cả nước đã xảy ra 1.551 vụ cháy tại nhà dân, cơ sở sản xuất, cơ sở dịch vụ. Trung bình 1 tháng, cả nước xảy ra 172 vụ cháy. Đó là con số thực sự gây lo ngại cho xã hội, đồng thời qua đó, bộc lộ nhiều bất cập trong công tác phòng cháy, chữa cháy.
Sau đây phóng viên Tiêu điểm sẽ phân tích chi tiết vấn đề này: