Di chúc Hồ Chí Minh - Văn kiện lịch sử vô giá

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 03/09/2024 14:06 GMT+7

VTV.vn-Những tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soi sáng cho sự nghiệp cách mạng của cả dân tộc, trong đó có sự phát triển văn hóa nước nhà đến tận hôm nay và mai sau.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ thiên tài, nhà văn hóa kiệt xuất của Đảng và dân tộc ta, trọn đời hy sinh cho sự nghiệp cách mạng vì độc lập dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Cách đây 55 năm, trước lúc đi xa, Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bản Di chúc thiêng liêng. Đây là một văn kiện mang giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại sâu sắc, tài sản vô giá được đánh giá là đỉnh cao giá trị trong kho tàng văn hóa dân tộc Việt Nam. Nội dung, tư tưởng, giá trị nghệ thuật của Di chúc phản ánh giá trị văn hóa sâu sắc, có vị trí đặc biệt trong sự nghiệp xây dựng Tổ quốc Việt Nam, trong đời sống của mỗi con người nước Việt.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện có giá trị vô cùng to lớn đối với quá trình cách mạng và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trên nhiều phương diện, vạch ra phương hướng cho cách mạng Việt Nam cho cả hôm nay và tương lai. Những nội dung trong Di chúc thể hiện cô đọng và sâu sắc những tư tưởng đổi mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp xây dựng Việt Nam, xuất phát từ thực tiễn đất nước. Người căn dặn toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta những việc to lớn, hệ trọng, cần làm sau khi đất nước thống nhất.

Trong bản Di chúc ngắn gọn, xúc tích, với tình thương bao la dành cho mọi tầng lớp nhân dân, Bác chỉ rõ: "Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh... Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân". Người từng nói: "Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải phát triển kinh tế và văn hóa". Coi văn hóa là một mặt hợp thành toàn bộ đời sống xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định văn hóa tồn tại và phát triển trong mối liên hệ biện chứng với các yếu tố kinh tế và chính trị.

Những tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa trở thành kim chỉ nam cho Đảng, Nhà nước và nhân dân ta xây dựng nền văn hóa Việt Nam trong suốt những năm tháng dựng xây đất nước. Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định: "Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước".

Đáng chú ý, lần đầu tiên khái niệm "sức mạnh mềm" được nêu ra trong các văn kiện Đại hội XIII, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, động lực phát triển bền vững đất nước, đồng thời nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lời cuối cùng trong bản Di chúc có lẽ là tình cảm lắng đọng, gây xúc động mạnh nhất, trở thành đề tài phong phú cho văn học nghệ thuật về tấm lòng của Bác đối với nhân dân. Bác để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng. Là người đặt nền móng cho nền văn học nghệ thuật cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn đội ngũ văn nghệ sĩ phải có trách nhiệm với Tổ quốc, với sự nghiệp cách mạng, đồng hành với đất nước, với nhân dân qua mỗi tác phẩm thơ ca nhạc họa. Tư tưởng ấy của Người vẫn luôn là kim chỉ nam, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong sáng tạo văn học nghệ thuật hôm nay.

"Khi người nghệ sĩ bắt tay vào hành trình sáng tạo thì hãy trả lời cho câu hỏi sáng tạo cho ai, sáng tạo để làm gì và sáng tạo như thế nào. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc người nghệ sĩ như vậy và trong hành trình chinh phục đỉnh cao nghệ thuật, người nghệ sĩ thực hiện theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì họ sẽ sáng tạo được những tác phẩm xứng đáng với thời đại, như kỳ vọng của chúng ta", PGS.TS. Vũ Thị Phương Hậu – Viện Trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ.

Năm 1923, nhà báo Osip Mandelstam nhận xét: "Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một thứ văn hoá, không phải văn hóa châu Âu mà có lẽ là một nền văn hóa của tương lai". Những tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soi sáng cho sự nghiệp cách mạng của cả dân tộc, trong đó có sự phát triển văn hóa nước nhà đến tận hôm nay và mai sau. Những tư tưởng ấy còn mang giá trị toàn cầu, được thế giới khẳng định với Nghị quyết của UNESCO vinh danh Chủ tịch Chủ tịch Hồ Chí Minh là anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước