Nghề thủ công truyền thống kém sức hút với người trẻ

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 13/08/2024 14:13 GMT+7

VTV.vn - Sự thiếu hụt nguồn nhân lực trẻ, thiếu nhân lực kế thừa cũng là nguyên nhân khiến các làng nghề mai một dần.

Việt Nam tự hào có nhiều làng nghề truyền thống. Mỗi làng nghề, mỗi nghề thủ công truyền thống đều mang nét đặc trưng của văn hóa Việt, được gìn giữ và phát triển qua nhiều đời. Tuy nhiên, hiện nay không ít làng nghề đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Như tại Mỹ Nghiệp - một làng nghề dệt nổi tiếng của đồng bào Chăm tại Ninh Thuận, những người mặn mà với nghề dệt thổ cẩm ngày càng hiếm hoi, khi các sản phẩm dệt thủ công truyền thống đang bị đánh đồng với dệt thổ cẩm công nghiệp, từ đó làm giảm giá trị của thổ cẩm truyền thống, ảnh hưởng tới thu nhập của nghệ nhân làng nghề. Nghề dệt vì thế không còn sức hút với những người trẻ.

Theo Hiệp hội làng nghề Việt Nam, hiện nay cả nước có hơn 5.400 làng nghề, trong đó có gần 2.000 làng nghề truyền thống được công nhận. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự mai một, biến mất của làng nghề. Với sự phát triển của kinh tế và công nghiệp hiện đại, nhu cầu tiêu dùng thay đổi, các sản phẩm công nghiệp giá rẻ tiện lợi thường được ưa chuộng hơn. Thiếu nguồn lực và công nghệ hiện đại để cải tiến sản phẩm, làng nghề truyền thống gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu, sản phẩm công nghiệp. Sự thiếu hụt nguồn nhân lực trẻ, thiếu nhân lực kế thừa cũng là nguyên nhân khiến các làng nghề mai một dần.

Chính phủ đã ban hành Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Mục tiêu của chương trình là bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề, nhằm gìn giữ và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của làng nghề Việt; thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; bảo vệ cảnh quan, không gian môi trường; xây dựng các khu dân cư, làng văn hóa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nông thôn bền vững.

Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 xác định phát triển làng nghề gắn với du lịch. Đây là hướng đi triển vọng được nhiều quốc gia trong khu vực áp dụng từ lâu. Tại Việt Nam, nhiều làng nghề khi chuyển mình, phát triển theo hướng du lịch đã phát triển mạnh mẽ.

Làng nghề truyền thống tích hợp nhiều giá trị văn hóa, mang tiềm năng phát triển du lịch. Vấn đề ở đây là làm thế nào để đánh thức những tiềm năng này. Đây không là bài toán đơn giản. Nó cần sự tham gia của cả ngành văn hóa, địa phương, doanh nghiệp, cần sự năng động và đoàn kết, quyết tâm của người dân làng nghề. Chỉ khi sống được với nghề thì làng nghề mới có thể tồn tại, lưu giữ những nét đẹp của cha ông.

Bảo tồn và phát huy làng nghề truyền thống Bảo tồn và phát huy làng nghề truyền thống

VTV.vn - Bảo tồn làng nghề, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hàng triệu lao động nông thôn đang được xem là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước