TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Bảo tồn và phát huy làng nghề truyền thống

Đỗ Vinh, Lê HuyCập nhật 16:23 ngày 10/05/2024

VTV.vn - Bảo tồn làng nghề, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hàng triệu lao động nông thôn đang được xem là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Nước ta có hàng ngàn làng nghề truyền thống. Mỗi làng nghề không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn là chỉ dấu văn hóa định danh cho một vùng đất. Trong xu thế hội nhập, nhiều làng nghề thủ công truyền thống dần bị mai một, thậm chí là thất truyền do không đủ sức cạnh tranh. Khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề truyền thống cũng được nhiều địa phương đưa ra nhưng trên thực tế, nhiều nghệ nhân, lao động làng nghề không thể trụ được dẫn đến bỏ nghề.

Miền Trung, trong đó có tỉnh Quảng Nam được xem là vùng đất của những làng nghề trăm tuổi. Bên dòng sông Thu Bồn, làng đúc đồng Phước Kiều là làng nghề kim khí nổi tiếng của Việt Nam. Nổi tiếng không chỉ ra đời đã hơn 400, nằm ngay dinh trấn Thanh Chiêm, gắn liền hình thành chữ Quốc ngữ mà chính các nghệ nhân Phước Kiều đã đúc ra hàng vạn bộ chiêng cung cấp cho đồng bào các dân tộc Trường Sơn - Tây Nguyên, góp phần rất lớn để công chiêng Tây Nguyên thành kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Nổi tiếng khắp vùng là vậy nhưng hiện nay, làng nghề đúc đồng Phước Kiều đang đứng trước nguy cơ bị lụi tàn, mai một.

Quảng Nam hiện có 45 làng nghề truyền thống với hơn 5 ngàn lao động. Để khôi phục và giúp các làng nghề phát triển, hơn 10 năm qua, Quảng Nam đã đầu tư gần 110 tỷ đồng từ ngân sách để hỗ trợ làng nghề. Thời gian qua, Quảng Nam đã đề ra chủ trương bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới. Ngành du lịch xem đây là sản phẩm du lịch đặc trưng trong tiêu chí du lịch xanh. Bài học từ Hội An cho thấy, các làng nghề truyền thống đang là điểm đến, địa phương trích một phần tiền bán vé để hỗ trợ cho các nghệ nhân và lao động làng nghề. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu để bảo tồn và phát huy giá trị của làng nghề truyền thống.

Nước ta còn khoảng 2000 làng nghề truyền thống. Trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, phần lớn làng nghề gặp khó khăn. Nhiều làng nghề đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Quy hoạch làng nghề thành bảo tàng sống, thành điểm đến du lịch được xem là hướng đi phù hợp để hồi sinh những làng nghề đang trong tình trạng hấp hối như hiện nay.

Chính quyền địa phương không thể dùng ngân sách để bao cấp cho làng nghề nhưng chính quyền có thể dùng một phần kinh phí từ việc bán vé tham quan vào làng nghề để hỗ trợ cho nghệ nhân là giải pháp phù hợp. Nhưng muốn biến làng nghề thành điểm đến, trước tiên phải cải thiện môi trường làm việc, nhất là xử lý ô nhiễm môi trường. Có như vậy, làng nghề mới trở thành điểm du lịch xanh, là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cho người lao động.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Hà Tĩnh: Vướng mặt bằng khiến hàng loạt dự án chậm tiến độ

VTV.vn-Vướng mắc về giải phóng mặt bằng là nguyên nhân chính khiến hàng loạt dự án ở Hà Tĩnh bị chậm tiến độ. Công tác giải ngân vốn đầu tư công vì thế cũng không được như kỳ vọng.