Ngay trên trang nhất, tờ Người bảo vệ của Anh đã đặt câu hỏi "Nước Anh đã bỏ phiếu rời EU, chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?". Câu trả lời mà tờ báo này đưa ra không mấy sáng sủa: "Nước Anh sẽ sống với các hậu quả về chính trị, Hiến pháp, ngoại giao và kinh tế trong nhiều thập kỷ tiếp theo".
Tờ Độc lập của Anh chỉ ra cụ thể hơn những sóng gió mà nước này phải đối mặt sắp tới. Đó là sự gián đoạn kinh doanh trong ít nhất hai năm để dàn xếp sự ra đi khỏi EU. Anh cũng sẽ phải thảo luận lại các hiệp định thương mại với các nước EU và 52 quốc gia khác. Không còn được tiếp cận thị trường EU, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Anh sẽ giảm, gây nguy cơ cho thị trường việc làm. Trang này chốt lại thiệt hại bằng một con số đáng chú ý: Nền kinh tế Anh sẽ suy giảm 7,5% vào năm 2030.
Tờ Nikkei châu Á gọi viễn cảnh sau khi Anh rời EU là "ác mộng" đối với nước Anh. Đó là việc Scotland sẽ sử dụng kết quả này để kêu gọi độc lập tách ra khỏi Liên hiệp Vương Quốc Anh - một điều đã “suýt” trở thành hiện thực năm 2014. Tại Bắc Ireland - nơi vốn ủng hộ quy chế thành viên EU, nhiều Đảng cũng đang kêu gọi xem xét lại mối quan hệ đối với Liên hiệp Vương Quốc Anh.
Đối với châu Âu, "kết quả trưng cầu dân ý là một thảm hoạ" là nhận định của tờ Thời báo New York. Kết quả đó "đang đặt ra câu hỏi về đường hướng, sự liên kết và tương lai của một liên minh vốn là một thành tố sống còn trong cấu trúc châu Âu thời hậu chiến".
Việc Anh ra đi sẽ là cú đánh vào uy tín của một khối liên minh vốn đang chịu sức ép của tăng trưởng chậm, thất nghiệp cao và khủng hoảng di cư. Tác động chính sẽ là sự rối loạn trong hệ thống của Liên minh châu Âu trong hai năm sắp tới. Đi kèm với đó là những chi phí chính trị khổng lồ trong việc giải quyết sự ra đi của Anh. Tờ Thời báo New York trích ý kiến chuyên gia nhận định: "Châu Âu sẽ phải tự cải tổ bản thân mình thành một hệ thống với các cấp độ hội nhập khác nhau" cho các quốc gia khác nhau.
Tuy nhiên, đối với châu Âu, ưu tiên bây giờ là ngăn chặn được hiệu ứng dây chuyền sau việc Anh rời EU và sự bùng phát của các cuộc trưng cầu dân ý khác tại Hà Lan, Pháp, Ba Lan và Hungary. Bộ trưởng Tư pháp Anh MichealGove đã kêu gọi "giải phóng châu Âu" trong chiến dịch Brexit. Nếu xu hướng này tiếp tục phát triển, Liên minh châu Âu sẽ trượt từ việc "mất khả năng điều khiển" tới quá trình "tan rã".
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.