Chính thức khai mạc Hội nghị COP21

Trung Kiên, Lê Tuấn, Chí Thành (Ban Thời sự)-Thứ hai, ngày 30/11/2015 22:04 GMT+7

VTV.vn - Trưa 30/11 (giờ địa phương, cuối giờ chiều ngày 30/11 giờ Hà Nội), Hội nghị COP21 đã chính thức khai mạc tại Paris (Pháp).

Các phái đoàn từ 196 nước, trong đó có gần 150 lãnh đạo các quốc gia tham dự Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP21) nhằm khẳng định cam kết chính trị mạnh mẽ trong việc đạt được Thỏa thuận Paris về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Trong bối cảnh năm 2015 là năm nóng nhất từng ghi nhận trong lịch sử, lượng khí thải cao nhất từ trước đến nay, Thỏa thuận Paris có vai trò quan trọng trong việc ngăn nhiệt độ Trái đất tăng quá 2oC nhằm ngăn ngừa những hậu quả ngày càng khốc liệt của hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng hơn 134 lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ các nước trên thế giới, trong đó có các Tổng thống Hoa Kỳ, Nga, Pháp, Anh, Ấn Độ, Đức và Nhật Bản, Chủ tịch Trung Quốc cùng nhiều lãnh đạo cấp cao của các nước phát triển và đang phát triển đã tham dự hội nghị.

Mục tiêu chính của Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu là thông qua một khuôn khổ pháp lý toàn cầu mới về biến đổi khí hậu cho giai đoạn sau năm 2020 (gọi là Thỏa thuận Paris 2015). Theo đó, các nước cam kết cắt giảm lượng khí thải nhằm hạn chế tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức dưới 2oC vào cuối thế kỷ XXI so với thời kỳ tiền công nghiệp 1850 - 1990.

Các nghiên cứu khoa học cho thấy, nếu các nước không nỗ lực cắt giảm phát thải, nhiệt độ Trái đất có thể tăng đến 4,8oC vào cuối thế kỷ XXI. Đây sẽ là thảm họa đối với nhân loại khi băng ở hai cực của Trái đất tan chảy khiến mực nước biển có thể dâng cao đến 2m, nhấn chìm nhiều quốc gia đảo nhỏ, các vùng cửa sông, ven biển và đồng bằng trù phú trên Trái đất. Đối với Việt Nam, khi mực nước biển dâng 1m, sẽ có khoảng 39% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, trên 10% diện tích Đồng bằng sông Hồng và Quảng Ninh, trên 2,5% diện tích thuộc các tỉnh ven biển miền Trung và trên 20% diện tích Thành phố Hồ Chí Minh có nguy cơ bị ngập.

Do khác biệt về quan điểm và lợi ích, hơn 20 năm kể từ khi Công ước khung Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu được thông qua, các nước vẫn chưa đạt được đồng thuận về một thỏa thuận mới chi tiết hóa các nội dung của Công ước. Hiện có 164 quốc gia, trong đó có Việt Nam đã đệ trình mức độ cam kết giảm phát thải khí nhà kính từ 0 - 70%. Với mức cam kết này, việc thực hiện tốt nhất các biện pháp vẫn chưa bảo đảm nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 2oC vào cuối thế kỷ này.

Hiện có đánh giá cho rằng cam kết cắt giảm của các nước phát triển quá thấp so với mức độ phát thải khí nhà kính mà họ đã gây ra trong quá khứ. Trong khi đó, theo quan điểm của các nước EU, Hoa Kỳ và hầu hết các nước phát triển, Thỏa thuận Paris nên tập trung vào giảm nhẹ phát thải khí nhà kính để xử lý vấn đề Trái đất nóng lên. Bên cạnh đó, theo quan điểm của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam và Trung Quốc, các nước phát triển phải đi đầu trong giảm phát thải, hỗ trợ về tài chính và chuyển giao công nghệ để các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong khi đó, theo một nghiên cứu về biến đổi khí hậu công bố ngày 29/11, 48 nước nghèo nhất trên thế giới sẽ cần có 1.000 tỷ USD trong khoảng từ năm 2020 - 2030 để có thể thực hiện kế hoạch chống biến đổi khí hậu.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Tổng thống nước chủ nhà Francois Hollande nhấn mạnh, sự hiện diện của các nhà lãnh đạo trên khắp thế giới tại Paris ngày 30/11 là niềm hy vọng cho thế giới và hàng tỷ người trên thế giới đang theo dõi các quyết định được ra tại Hội nghị COP21.

Bày tỏ lo ngại sâu sắc về những tác động nghiêm trọng ngày càng tăng của biến đổi khí hậu đối với an ninh và phát triển trên thế giới, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon khẳng định, không một quốc gia nào trên thế giới có khả năng tự mình giải quyết tình trạng này, đồng thời nhấn mạnh sự cấp thiết phải có một thỏa thuận toàn cầu để ứng phó với những thách thức biến đổi khí hậu.

Chiều 30/11 (giờ Paris - đêm 30/11 theo giờ Hà Nội), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có bài phát biểu quan trọng về quan điểm chung của Việt Nam đối với các cuộc đàm phán về ứng phó với biến đổi khí hậu, quan điểm và cam kết của Việt Nam về nội dung Thỏa thuận Paris 2015.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước