Hai ứng viên nặng ký nhất cho cuộc đua vào chiếc ghế Tổng thống Mỹ là bà Hillary Clinton và ông Donald Trump. (Ảnh: AP)
1. Ông Donald Trump và bà Hillary Clinton thắng lớn trong ngày bầu cử Siêu thứ Ba
Đêm 1/3 và sáng 2/3 (giờ Việt Nam), các cuộc bỏ phiếu sơ bộ và họp kín đã được tổ chức tại hàng loạt bang và vùng lãnh thổ của Mỹ.
Theo kết quả kiểm phiếu, ông Donald Trump giành thắng lợi tại 7 bang, bà Hillary Clinton giành được 7 bang và vùng lãnh thổ Samoa. Ở vị trí tiếp sau bên phía đảng Cộng hòa, ứng cử viên Ted Cruz đã có một ngày thành công khi giành được 3 bang. Thượng nghị sĩ Marco Rubio cũng đã giành thắng lợi đầu tiên với 1 bang. Thống đốc John Kasich bám đuổi top dẫn đầu. Đối thủ duy nhất còn lại của bà Clinton bên đảng Dân chủ, Thượng nghị sỹ Bernie Sanders gần như đã đạt mục tiêu trong ngày Siêu thứ Ba với thắng lợi tại 4 bang, chỉ thua sít sao bà Clinton tại bang Massachusetts.
Sau đó, ngày 5/3, ứng cử viên Ben Carson đã tuyên bố chấm dứt nỗ lực tranh cử trở thành đại diện duy nhất của đảng Cộng hòa tham gia cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Với quyết định rút lui của ông Carson, cuộc đua của đảng Cộng hòa chỉ còn 4 ứng cử viên gồm Donald Trump, Thượng nghị sĩ bang Florida, Marco Rubio, Thượng nghị sĩ bang Texas Ted Cruz và Thống đốc bang Ohio, John Kasich.
Ngày Siêu thứ Ba theo cách gọi của giới truyền thông là một sự kiện đáng chú ý bởi đây là ngày chọn ra nhiều đại biểu nhất. Những đại biểu này có vai trò quyết định cuối cùng xem ứng viên nào sẽ đại diện cho đảng tham gia tranh cử cho chiếc ghế Tổng thống Mỹ vào năm 2016.
2. Phát hiện mảnh vỡ nghi của máy bay MH370
Chỉ ít ngày trước lễ tưởng niệm hai năm ngày MH370 mất tích, một mảnh vỡ nghi của chiếc máy bay bí ẩn này đã được phát hiện ở bờ biển Mozambique, thuộc Ấn Độ Dương.
Các quan chức Mỹ tiết lộ mảnh vỡ này là một phần của chiếc Boeing 777. Trước MH370, ngành hàng không thế giới chưa ghi nhận trường hợp máy bay Boeing 777 nào mất tích. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia phỏng đoán đây chính là một mảnh vỡ của chiếc máy bay xấu số MH370.
Sau đó, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Malaysia Liow Tiong Lai ngày 3/3 cho biết, nước này sẽ cử một nhóm chuyên gia đến Mozambique để kiểm tra mảnh vỡ máy bay nghi của MH370 và một báo cáo sơ bộ sẽ được đưa ra ngày 8/3, ngày đánh dấu 2 năm chiếc máy bay này mất tích.
3. Khủng hoảng di cư và việc Anh đi hay ở EU làm nóng Hội nghị Thượng đỉnh Anh - Pháp
Những vấn đề đang làm Liên minh châu Âu lo ngại nhất hiện nay đã được đề cập trong Hội nghị Thượng đỉnh giữa Anh và Pháp. Pháp tuyên bố, nếu nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, Pháp sẽ để cho người tị nạn tự do sang Anh và quốc gia này phải tự bảo vệ biên giới của mình. Tuyên bố của Pháp trước Hội nghị Thượng đỉnh có ngụ ý rõ ràng nhằm tới cử tri Anh trong cuộc trưng cầu dân ý sắp tới, giúp Thủ tướng Anh David Cameron thuyết phục cử tri giữ nước Anh ở lại Liên minh châu Âu.
Trong cuộc gặp, Tổng thống Pháp đã đề nghị Anh hỗ trợ mở thêm trại tạm cư cầm giữ người tị nạn ở lại trên đất Pháp; tăng cường bảo vệ biên giới Pháp; không cho người tị nạn trốn từ Pháp sang Anh; đồng thời triệt phá các đường dây đưa người tị nạn giữa 2 nước.
Hội nghị Thượng đỉnh Anh - Pháp cũng đưa ra một thông điệp rõ ràng, hai nước sẽ siết chặt kiểm soát phà biển và đường hầm xuyên biển nối Pháp - Anh. Người tị nạn sẽ không có bất cứ cơ may nào sang được Anh kể cả khi đã tới được bờ biển Calais của Pháp.
4. EU công bố kế hoạch khôi phục Schengen
Ngày 4/3, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố kế hoạch nhằm chấm dứt việc kiểm soát biên giới mà các nước thành viên đã áp đặt để đối phó với cuộc khủng hoảng di cư, theo đó khôi phục hiệu lực của hiệp ước đi lại tự do trong khối Schengen trước thời điểm cuối năm 2016. Trong một tuyên bố, Ủy ban châu Âu (EC) nêu rõ mục tiêu bãi bỏ tất cả các hoạt động kiểm soát biên giới nội khối Schengen trước tháng 12/2016.
Theo EC, việc các nước thiết lập trở lại hoạt động kiểm soát biên giới ở khu vực Schengen có thể gây thiệt hại kinh tế từ 5 - 18 tỷ Euro mỗi năm. EC cũng đề nghị thành lập một lực lượng bảo vệ bờ biển của EU trước mùa hè này nhằm hỗ trợ Hy Lạp tăng cường kiểm soát đường biên giới và đảm bảo hợp tác hiệu quả với Thổ Nhĩ Kỳ trong nỗ lực hạn chế dòng người di cư và tị nạn ồ ạt kéo tới châu Âu.
Theo kế hoạch, hệ thống này sẽ chính thức hoạt động vào tháng 9. Kế hoạch cũng kêu gọi các nước thành viên tránh tình trạng dồn đẩy người di cư từ nước mình sang các nước khác, gây ra tình trạng mắc kẹt kéo dài.
5. Xét xử Chủ tịch Hạ viện Brazil tội tham nhũng
Tòa án Tối cao Liên bang của Brazil hôm 3/3 đã bỏ phiếu thông qua quyết định đưa ra xét xử Chủ tịch Hạ viện nước này Eduardo Cunha vì tội tham nhũng và rửa tiền.
Ông Cunha bị tố cáo nhận 5 triệu USD tiền hối lộ liên quan đến việc giành hợp đồng của Petrobras. Tuy nhiên, ông Cunha đã bác bỏ cáo buộc trên và khẳng định không có bằng chứng về việc ông này nhận hối lộ.
Với quyết định này, ông Cunha sẽ trở thành nghị sĩ đương chức đầu tiên đối mặt với việc bị đưa ra xét xử trong vụ bê bối tham nhũng khổng lồ của Tập đoàn dầu khí quốc gia Brazil Petrobras.
Hồi tháng 10 năm ngoái, 30 nghị sĩ Brazil đã từng yêu cầu ông Cunha từ chức do bị tình nghi nhận hối lộ của Petrobras. Cơ quan điều tra cũng đã phát hiện ra 5 tài khoản của ông Cunha và người thân tại ngân hàng Thụy Sĩ, trong đó có nhiều khoản thu bất chính. Các nhà chức trách Thụy Sĩ đã phong tỏa các tài khoản trên với tổng giá trị khoảng 5 triệu đô la và gửi thông tin cho phía Brazil.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.