1. Nóng vấn đề nhập cư
Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon hôm 14/5 đã bày tỏ lo ngại về khả năng một số quốc gia Đông Nam Á từ chối tiếp nhận hàng nghìn người mắc kẹt trên các thuyền buôn người tại biển Andaman và Eo biển Malacca. Ông khẳng định giải cứu người trên biển là một nghĩa vụ quốc tế.
Trước đó, Văn phòng Cao ủy LHQ về người tị nạn cũng bày tỏ lo ngại trước thông tin nói rằng Indonesia và Malaysia có thể buộc các thuyền chở người tị nạn trên quay trở lại điểm xuất phát là Myanmar và Bangladesh.
Thái Lan hôm 14/5 đã phát hiện một tàu chở 300 người nhập cư đang trôi dạt ở vùng biển phía Tây của Thái Lan, song từ chối cấp phép cho tàu vào bờ. Thay vào đó, Bangkok đã cấp cho họ thực phẩm và nước uống.
Trong khi đó, chiến tranh, nghèo đói khiến nhiều người di cư châu Phi chấp nhận mạo hiểm tính mạng, vượt Địa Trung Hải sang châu Âu. Để đối phó với tình trạng này, đêm 13/5, tại Bruxelles, Ủy ban châu Âu đã công bố kế hoạch tiếp nhận 20.000 người tị nạn vào châu Âu và kêu gọi các nước thành viên chia sẻ gánh nặng.
Tuy nhiên, một công thức hợp lý về hạn ngạch vẫn đang được xem xét. Trong lúc chờ đợi kết quả họp cuối cùng, tương lai của hàng chục nghìn người nhập cư trái phép tại châu Âu vẫn còn rất mịt mờ.
2. Ngoại trưởng Mỹ thăm Nga lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng Ukraine
Đây là một sự kiện quan trọng trong quan hệ hai nước bởi đây là chuyến thăm đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ tới Nga kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine bùng phát hồi đầu năm ngoái, khiến cho mối quan hệ hai bên rơi xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Người phát ngôn của Tổng thống Putin đã gọi chuyến thăm của ông Kerry là một bước tiến tích cực và cho biết nhà lãnh đạo Nga đã sẵn sàng cho một cuộc thảo luận cởi mở với Ngoại trưởng Kerry tại Sochi.
3. Tòa án Ai Cập kết án tử hình cựu Tổng thống Morsi
Hôm 16/5, cựu Tổng thống Ai Cập Mohammed Morsi đã bị kết án tử hình do liên quan tới vụ vượt ngục vào năm 2011.
Ông Morsi là 1 trong số 106 thành viên của Tổ chức anh em Hồi giáo bị kết án tử hình do liên quan đến vụ vượt ngục này.
Vào ngày 28/1/2011, ông Morsi đã bị bắt giữ cùng 24 lãnh đạo khác của Tổ chức Anh em Hồi giáo trong phong trào biểu tình nhằm lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak khi đó. Tuy nhiên, ông này đã trốn thoát sau đó 2 ngày. Nhân tình trạng hỗn loạn, hàng nghìn tù nhân khác cũng bỏ trốn. Sau khi Tổng thống Mubarak bị lật đổ, ông Morsi đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống tự do đầu tiên của Ai Cập tháng 6/2012.
Tuy nhiên, ông này đã bị phế truất năm 2013 sau một cuộc biểu tình đường phố. Từ đó, nhà cầm quyền đã ban hành lệnh cấm hoạt động đối với Tổ chức Anh em Hồi giáo cũng như bắt giữ hàng ngàn người ủng hộ ông này.
Án tử hình hôm 16/5 được tuyên đối với ông Morsi sẽ còn được Hội đồng tôn giáo tối cao Ai Cập xem xét, và quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra vào 2/6.
4. Thủ lĩnh số 2 của IS bị tiêu diệt ở Iraq
Ngày 13/5, Bộ Quốc phòng Iraq cho biết Abu Ala Afri, thủ lĩnh số 2 của nhóm IS đã bị tiêu diệt trong một vụ không kích của liên quân do Mỹ đứng đầu ở miền Bắc Iraq.
Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Iraq nêu rõ dựa trên các thông tin tình báo chính xác, liên quân do Mỹ đứng đầu đã tiến hành không kích nhằm vào Abu Ala Afri và nhiều thành viên khác trong nhóm này khi chúng đang tổ chức một cuộc họp tại thánh đường Hồi giáo al-Shuhadaa ở thị trấn Tal Afar, cách thủ phủ Mosul của tỉnh Nineveh 70 km về phía Tây và cách thủ đô Baghdad gần 400 km về phía Bắc.
Trước đó, có các thông tin chưa được kiểm chứng cho thấy thủ lĩnh hàng đầu của IS Abu Bakr al-Baghdadi được cho là đã bị thương nặng trong một vụ không kích và Abu Ala Afri hiện là “người kế nhiệm” tạm thời của tên này.
5. NATO sẵn sàng đối thoại với Nga về các vấn đề quân sự
Đối thoại giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nga đang tiến triển chậm và hiện chỉ hạn chế ở mức đối thoại chính trị. Đây là nhận định của Phó phát ngôn viên NATO Carmen Romero đưa ra ngày 13/5 bên lề cuộc họp của Hội đồng NATO cấp Bộ trưởng Ngoại giao ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo bà Romero, Ngoại trưởng các quốc gia thành viên NATO đã quyết định tạm ngừng hợp tác thực tế với Nga, nhưng vẫn tiếp tục duy trì các kênh liên lạc chính trị mở. Đại diện NATO nhấn mạnh trong trường hợp cần thiết, khối này sẵn sàng đối thoại với Nga theo khuôn khổ giữa các lực lượng quân sự để tránh mọi sự hiểu lầm. Bên cạnh đó, bà Romero cho rằng phía NATO chưa thấy cơ hội để quan hệ Nga - NATO sớm trở về như trước đây.
Cùng ngày, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng đánh giá quan hệ Nga - NATO tuy không ở trong tình trạng như thời kỳ "Chiến tranh Lạnh" mang tính chất đối đầu giữa các khối quân sự và mâu thuẫn tư tưởng, tuy nhiên cũng không phải là đối tác chiến lược.
Trước đó, ngày 7/5, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết, Nga nhận được những tín hiệu tích cực từ phía NATO về khả năng khôi phục hợp tác giữa hai bên. Theo ông, nếu NATO đưa ra đề nghị như vậy, Nga sẽ phản ứng mang tính xây dựng.
6. Kẻ đánh bom cuộc thi Boston Marathon bị tuyên án tử hình
Ngày 15/5, một hội thẩm đoàn của Mỹ đã tuyên án tử hình đối với Dzhokhar Tsarnaev, kẻ đánh bom cuộc thi Boston Marathon tại bang Massachusetts (Mỹ) cách đây hai năm.
Sau hơn 14 tiếng đồng hồ xem xét, hội thẩm đoàn liên bang Mỹ đã kết luận tên Tsarnaev phạm 17 tội danh, trong đó có 6 tội danh đủ khép vào án tử hình. Các thẩm phán xác định Tsarnaev là đối tượng theo quan điểm Hồi giáo cực đoan al-Qeada và việc hắn thực hiện cuộc đánh bom tại Boston là để trả thù các chiến dịch quân sự của Mỹ tại các quốc gia Hồi giáo.
Dzhokhar Tsarnaev, 21 tuổi, người gốc Chechnya, đã cùng với anh trai của mình là Tamerlan Tsarnaev, tiến hành đánh bom cuộc thi chạy marathom ở Boston hồi tháng 4 năm 2013, khiến 3 người bị thiệt mạng và hơn 260 người khác bị thương.
7. Nhật Bản thúc đẩy dự luật an ninh quốc gia mới
Hôm 15/5, Chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đệ trình các dự luật an ninh quốc gia mới lên hai viện quốc hội nước này.
Những dự luật này thể hiện một sự thay đổi về cơ bản chính sách an ninh của Nhật Bản, trong đó lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh Thế giới thứ hai, cho phép quân đội Nhật Bản chiến đấu ở nước ngoài. Liên minh cầm quyền đã đặt mục tiêu, sẽ bỏ phiếu thông qua các dự luật trên chậm nhất là vào ngày 24/6.
Hai dự luật được đệ trình Quốc hội Nhật Bản ngày 15/5 là dự luật "Hỗ trợ hòa bình thế giới" và dự luật "Kiện toàn pháp chế an ninh và hòa bình". Hai dự luật này cho phép Nhật Bản huy động lực lượng quân sự tham gia vào các cuộc chiến có ý nghĩa sống còn đối với lợi ích an ninh quốc gia, đồng thời cho phép lực lượng phòng vệ Nhật Bản hỗ trợ hậu cần cho quân đội đồng minh ở mọi khu vực trên thế giới mà không bị giới hạn địa lý như trước.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.