Tổng thống Obama tuyên bố ủng hộ bà Clinton trong cuộc đua giành vị trí quyền lực nhất nước Mỹ. (Ảnh: Getty)
1. Tổng thống Obama ủng hộ bà Hillary Clinton vào Nhà Trắng
Rạng sáng 10/6 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Obama đã chính thức lên tiếng ủng hộ bà Hillary Clinton làm đại diện Đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Tổng thống Obama chính thức tuyên bố ủng hộ bà Hillary thay thế ông ngay sau cuộc gặp Thượng nghị sĩ Bernie Sanders - đối thủ duy nhất còn lại của bà Hillary Clinton trong cuộc đua giành quyền đại diện cho Đảng Dân chủ ra tranh cử Tổng thống.
Trước đó 2 ngày, ông Sanders vẫn cứng rắn tuyên bố chiến đấu với bà Hillary và theo đuổi cuộc đua tới cùng dù việc bà Hillary trở thành đại diện của Đảng Dân chủ là gần như không thể đảo ngược. Tuy nhiên, ông Bernie Sander đã dịu giọng hơn sau cuộc gặp với Tổng thống Obama.
2. Thủ tướng Đức Angela Merkel là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới
Thủ tướng Đức Angela Merkel một lần nữa dẫn đầu danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới do tạp chí Forbes bình chọn.
Đây là năm thứ 6 liên tiếp và là lần thứ 10 Thủ tướng Đức Angela Merkel giành được vị trí này. Xếp ngay sau nhà lãnh đạo Đức là ứng viên Tổng thống Mỹ Hillary Clinton và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), bà Janet Yellen.
Trong 29 quốc gia và vùng lãnh thổ có đại diện nằm trong top 100 năm nay, Mỹ chiếm ưu thế với 51 đại diện. Theo sau là Trung Quốc với 9 đại diện, trong đó nổi bật có bà Lucy Peng, Giám đốc cấp cao của tập đoàn thương mại điện tử Alibaba và bà Margaret Chan, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
3. Tỷ lệ ủng hộ Anh rời EU tăng vọt
Hơn một nửa số cử tri Anh mong muốn nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Đây là kết quả cuộc thăm dò dư luận mới nhất do trang mạng Independent của Anh công bố ngày 10/6, ở thời điểm chưa đầy 2 tuần nữa sẽ diễn ra cuộc trưng cầu ý dân về việc Anh đi hay ở lại EU.
Cụ thể, tỉ lệ ủng hộ Anh rời EU hiện là 55%, cao hơn 10% so với tỉ lệ phản đối. Đây là mức dẫn điểm lớn nhất của phe rời EU kể từ khi Independent tiến hành các cuộc thăm dò trong vòng 1 năm qua.
4. Phát hiện thêm mảnh vỡ nghi của MH370
Trong quá trình tìm kiếm MH370, một số mảnh vỡ được nghi là thuộc về chiếc máy bay mất tích đã được phát hiện tại nhiều khu vực thuộc phía đông Ấn Độ Dương.
Australia vẫn đang tiếp tục chỉ đạo việc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích mang số hiệu MH370. Những con tàu chuyên dụng được trang bị máy định vị sonar (được dùng để phát hiện tàu ngầm) và các thiết bị không người lái dưới nước đã được huy động để phục vụ cho việc tìm kiếm MH370. Khu vực tìm kiếm chiếc máy bay mất tích, bao gồm cả Malaysia và Trung Quốc, trải rộng với diện tích từ 105.000 km2 tới 120.000 km2.
Mọi mảnh vỡ đáng nghi được phát hiện trong quá trình tìm kiếm MH370 đều được gửi tới kiểm tra tại Australia thông qua Cơ quan an toàn giao thông của Úc (ATSB) và các chuyên gia. Đã có tới 7 mảnh vỡ bị nghi ngờ là thuộc về chiếc máy bay bị mất tích của hãng hàng không Malaysia Airlines.
5. Quân đội Iraq giành lại một phần thành phố Fallujah từ IS
Ngày 8/6, quân đội Chính phủ Iraq đã giành lại một phần phía Nam thành phố Fallujah và tiếp tục tiến sâu vào nơi được coi là thành trì quan trọng của IS tại Iraq.
Chiến dịch giải phóng được quân đội Iraq tiến hành từ hôm 23/5 với sự hỗ trợ của liên minh chống khủng bố do Mỹ đứng đầu. Người phát ngôn của chiến dịch trên - ông Sabah al-Noman - cho biết, lực lượng Chính phủ Iraq đã tiến đánh vào khu vực phía Nam Fallujah và chính thức kiểm soát khu vực này.
Liên Hợp Quốc cho biết số thường dân bị mắc kẹt tại Fallujah có thể lên tới 90.000 người, cao hơn gần gấp đôi so với ước tính đưa ra trước đó là 50.000 người. Ngoài ra, đang có báo cáo cho rằng IS sử dụng hàng chục nghìn dân thường tại thành phố này làm lá chắn sống trong các cuộc giao tranh với quân đội Iraq.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.