Hai con tin người Nhật bị IS bắt cóc. (Ảnh: AFP)
1. IS dọa giết hai con tin người Nhật Bản
Ngày 20/1, một đoạn video được đăng tải trên các website của lực lượng Hồi giáo cực đoan với nội dung đe dọa giết 2 con tin người Nhật Bản nếu Tokyo không trả khoản tiền chuộc 200 triệu USD trong vòng 71 giờ.
Đoạn băng video, được xác nhận là sản phẩm của nhánh truyền thông al-Furqan thuộc IS, quay cảnh một người đàn ông đội mũ trùm đầu màu đen cầm dao chĩa vào ống kính máy quay và dùng tiếng Anh đe dọa hai con tin.
IS cho biết, hai con tin mặc bộ áo liền quần màu cam là hai công dân Nhật Bản Kenji Goto Jogo và Haruna Yukawa.
Giọng nói trong đoạn băng giống với kẻ thánh chiến người Anh tham gia vụ hành quyết hai con tin người Mỹ James Foley và Steven Sotloff, cùng hai con tin người Anh David Haines và Alan Henning.
Người này đã yêu cầu số tiền chuộc 200 triệu USD để "đền bù" cho khoản viện trợ phi quân sự mà Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cam kết hỗ trợ cuộc chiến chống IS nhân chuyến công du tới Trung Đông mới đây.
Ngay sau đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã quyết định cắt ngắn một phần chuyến công du Trung Đông để tập trung giải quyết vụ bắt cóc con tin. Từ Jerusalem, ông lên án vụ bắt giữ con tin này và coi đây là hành động không thể tha thứ được.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng khẳng định đang nỗ lực hết sức và tận dụng mọi biện pháp ngoại giao để cứu thoát hai con tin.
Trong một diễn biến liên quan, mẹ của nhà báo Nhật Bản đang bị bắt giữ bởi Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hôm 23/1 đã lên tiếng kêu gọi thả con trai mình khi thời hạn chót đang sắp cận kề.
Bà Junko Ishido, mẹ của con tin Kenji Goto, cho biết con trai mình không phải là kẻ thù của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và yêu cầu tổ chức này thả con trai của bà. Bà còn cho biết thêm vợ của nhà báo Kenji Goto đang mang thai.
2. Mỹ - Cuba đàm phán cấp cao nhất sau hơn 3 thập kỷ
Vào ngày 21/1, tại Thủ đô La Habana, Cuba và Mỹ đã khai mạc cuộc đàm phán kéo dài 2 ngày có ý nghĩa lịch sử nhằm khép lại nhiều thập kỷ thù địch, đánh dấu chấm hết cho những gì còn sót lại của thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Rõ ràng, cả Mỹ và Cuba đều đang cố gắng dỡ bỏ những cản trở trên con đường bình thường hóa quan hệ tại cuộc hội đàm cấp cao đầu tiên trong vòng hơn 30 năm qua.
3. Thêm một vụ cảnh sát bắn chết người da màu tại Mỹ
Căng thẳng giữa lực lượng thực thi pháp luật Mỹ với cộng đồng người Mỹ gốc Phi lại bị đẩy lên, khi một video mới công bố cho thấy cảnh sát Mỹ bắn chết một người đàn ông da màu.
Những hình ảnh mới công bố cho thấy một cảnh sát đã bắn chết một lái xe người da màu tên là Jerame Reid, khi anh này bước ra khỏi xe của mình với hai tay giơ ngang vai.
Trước đó, cảnh sát đã nghi ngờ trên xe của Jerame Reid có súng và yêu cầu anh ta giơ tay lên, không được cử động.
Vụ việc xảy ra ngày 30/12 vừa qua đã gây ra các cuộc biểu tình ở Bridgeton - nơi 2/3 dân số là người da màu hoặc người Tây Ban Nha.
4. Gia tăng căng thẳng tại miền Đông Ukraine
Hôm 23/1, lực lượng ly khai ở Donetsk tuyên bố không tiến hành đàm phán hòa bình với chính quyền Ukraine. Trong khi đó, LHQ cũng đưa ra báo cáo mới nhất cho thấy ít nhất 262 người đã thiệt mạng do các cuộc giao tranh ở miền Đông nước này chỉ trong 9 ngày qua.
Người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng, ông Zakharchenko tuyên bố họ sẽ không tiến hành đàm phán hòa bình với chính quyền Ukraine mà chỉ tiếp xúc với phía Kiev về vấn đề trao đổi tù binh. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi lực lượng này đang dần giành được quyền kiểm soát Donetsk từ tay quân đội Ukraine.
5. Tổng thống Yemen từ chức
Tổng thống Yemen Abd-Rabbu Mansour Hadi ngày hôm nay (23/1) đã quyết định từ chức trong bối cảnh phiến quân Houthi siết chặt kiểm soát Thủ đô Sanna, đẩy đất nước rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc hơn.
Trong đơn từ chức gửi Quốc hội, Tổng thống Hadi nêu rõ ông không thể đảm nhiệm chức vụ lâu hơn khi đất nước đã hoàn toàn rơi vào bế tắc, đồng thời nhấn mạnh các thủ lĩnh chính trị đã thất bại trong việc đưa Yemen trở lại yên bình.
Ngay trước đó, Thủ tướng Yemen Khaled Baha cũng đệ đơn từ chức khi cho biết ông không muốn bị kéo vào một “mê cung chính trị vô ích”.
6. Quốc vương Saudi Arabia qua đời
Theo tuyên bố được phát trên truyền hình Saudi Arabia, Quốc vương Abdullah bin Abdulaziz đã qua đời vào 1h sáng 23/1 theo giờ địa phương (5h sáng giờ Việt Nam).
Quốc vương Abdullah lên ngôi vào năm 2005. Quốc vương được đánh giá là người luôn tìm cách hiện đại hóa Vương quốc Hồi giáo bằng những cải cách quan trọng, trong đó bao gồm việc thúc đẩy các cơ hội lớn hơn cho phụ nữ.
Em trai Quốc vương Abdullah, Hoàng Thái tử Salman sẽ trở thành người kế vị. Ông Salman, 79 tuổi, gần đây đã đảm nhận trách nhiệm thay cho Quốc vương già yếu.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.