Ai sẽ có vaccine trước?
Cách đây vài ngày, chính quyền của Tổng thống Mỹ đã công bố một thỏa thuận khủng - chi 2,1 tỷ USD để giành quyền ưu tiên đối với khoảng 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của 2 hãng dược Sanofi và GlaxoSmithKline. Nhưng chưa hết, đến nay nước Mỹ được cho là đã ký các thỏa thuận để mua tổng cộng khoảng 1 tỉ liều vaccine. Trong số này còn có thỏa thuận trị giá 1,95 tỉ USD với hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) để cung cấp lên tới 600 triệu liều.
Tại Anh, 4 hợp đồng đặt trước vaccine phòng COVID-19 đã nhanh chóng được kí kết, đó là thỏa thuận mua 60 triệu liều từ Sanofi và GlaxoSmithKline, 30 triệu liều từ BioNTech/Pfizer, 60 triệu liều từ Valneva và 100 triệu liều từ tập đoàn dược AstraZeneca với loại vaccine tiềm năng đang phát triển cùng Đại học Oxford.
Chính phủ Anh vừa ký thỏa thuận vaccine thứ tư để giành mua 60 triệu liều thuốc thử nghiệm mà các hãng dược phẩm khổng lồ GSK và Sanofi đang phát triển. Ảnh: Getty Images
Liên minh châu Âu cũng đạt được thỏa thuận với Tập đoàn dược phẩm Sanofi của Pháp để có được 300 triệu liều vaccine ngừa COVID-19. Thỏa thuận này sẽ cho phép tất cả 27 nước thành viên EU mua được vaccine của Sanofi một khi sản phẩm được phép sản xuất đại trà.
Nhật Bản thì ký một hợp đồng với hãng dược Pfizer. Theo đó, hãng sẽ cung cấp cho 60 triệu người dân Nhật khoảng 120 triệu liều tiêm, chậm nhất là cuối tháng 6/2021.
Ông Emanuele Capobianco - Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế cho rằng: "Chúng ta cần chống lại cái gọi là ‘chủ nghĩa dân tộc vaccine’ - điều có thể xuất hiện trong một vài tháng tới nếu như nguyên tắc đoàn kết toàn cầu không được coi trọng. Tất nhiên, để nhanh chóng sản xuất và đảm bảo vaccine đủ nhu cầu là một thử thách lớn".
Nhiều nước và tổ chức hứa hẹn sẽ đưa ra loại vaccine giá cả phải chăng và dành cho tất cả mọi người, nhưng thực tế là khó có chuyện sớm sản xuất đủ gần 8 tỷ liều cho dân số thế giới. Viễn cảnh các nước lớn độc quyền nguồn cung vaccine COVID-19 trong giai đoạn sớm là khó tránh khỏi.
Một phòng thí nghiệm ở Nga đang thử nghiệm thuốc điều trị COVID-19. Nguồn: Science photo Lilbrary
Các nước kém phát triển có thể sớm có vaccine?
Unicef mới đây cảnh báo hàng triệu trẻ em tại khu vực Trung Đông, Bắc Phi đang phải đối mặt với tình trạng thiếu các loại vaccine phòng bại liệt, sởi, bạch hầu hay viêm gan, khi mà thế giới đang phải gồng mình chống lại COVID-19. Nói thế thì cũng đủ thấy là vaccine chống lại COVID-19, nếu một ngày mai thực sự có điều đó, sẽ rất khó để các nước này tiếp cận được.
Hồi tháng 6, hội nghị thượng đỉnh Vaccine toàn cầu đã đạt được 1 khoản đóng góp tài chính kỷ lục gần 9 tỷ USD, cùng cam kết của nhiều quốc gia trong việc hỗ trợ các nước nghèo có thể tiếp cận nhanh, với giá thành rẻ các loại vaccine, trong đó có vaccine chống COVID-19. Tuy nhiên, nói là ưu tiên, nhưng người ta cũng có thể dễ dàng hình dung một viễn cảnh sẽ có sự ưu tiên trước, ưu tiên sau trong việc tiếp cận vaccine COVID-19.
Một ví dụ là châu Phi hiện đang rất lo lắng, bởi các cuộc thử nghiệm vaccine cho tới nay hầu như không được tiến hành tại quốc gia châu Phi nào. Vậy thì làm sao dám chắc vaccine sẽ có thể phát huy hiệu quả với người châu Phi. Đây sẽ là một thách thức. WHO luôn nhấn mạnh là vaccine chỉ có thể thực sự phát huy hiệu quả nếu các cộng đồng nghèo, rủi ro cao cũng có khả năng tiếp cận đầy đủ. Chứ chặn chỗ này, bùng phát chỗ kia, nguy cơ virus biến thể, đánh bại khả năng phòng vệ của vaccine là điều không ai biết được.
Người tình nguyện ở Nam Phi được tiêm thử vắcxin ngừa COVID-19 tại Bệnh viện Baragwanath ở TP Soweto. Ảnh: Reuters
Bắc Kinh sử dụng vaccine như sức mạnh mềm để vươn tầm ảnh hưởng tại Trung Đông, Châu Phi
Những nước nghèo khó có vaccine sớm cũng là chuyện dễ hiểu. Nhưng ngay cả những nước giàu hơn, không phải lúc nào cũng có vaccine sớm. Như Canada chẳng hạn, đợt dịch cúm lợn năm 1976 vẫn phải chờ sau khi cả nước Mỹ tiêm vaccine thì Canada mới có, vì họ không có đủ năng lực tự sản xuất vaccine. Vậy với các nước phát triển hơn tại khu vực Trung Đông, họ đang chuẩn bị gì để tránh nguy cơ khan hiếm vaccine như trường hợp của Canada?
Trong nỗi lo lắng chung thì lại đang có những quốc gia kỳ vọng sẽ có thể trở thành trung tâm sản xuất vaccine COVID-19 cho cả khu vực này. Hai cái tên có thể kể đến là Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Ai Cập. Bước đi của cả hai quốc gia này là sớm chọn ra một vài ứng cử viên tiềm năng, rồi đầu tư, hợp tác nghiên cứu và cùng triển khai thử nghiệm. Làm như thế thì sau này họ sẽ tự chủ được khả năng điều chế, sản xuất vaccine, không còn bị động vào nguồn cung nữa.
Một y tá Brazil chuẩn bị tiêm vaccine thử nghiệm của Trung Quốc cho một tình nguyện viên. Ảnh: Reuters
Nhưng đáng chú ý, đối tác của cả hai quốc gia này đều là những công ty dược phẩm đến từ Trung Quốc. Có vẻ như Bắc Kinh đang sử dụng vaccine như một thứ sức mạnh mềm để vươn tầm ảnh hưởng tại Trung Đông, Châu Phi. Mỹ hay Nga đều đang phải chật vật đối phó với đại dịch. Trung Quốc rõ ràng đang có nhiều lợi thế trong các bước đi ngoại giao y tế của mình. Không chỉ là vaccine, như tại Vùng Vịnh này, các công nghệ xét nghiệm COVID-19, hay đồ bảo hộ y tế hầu như cũng đều đang được cung cấp bởi Trung Quốc.
Rất nhiều chuyên gia nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại rằng, chúng ta đang đối mặt với 1 đại dịch chưa từng có, trong 1 thế giới liên kết chặt chẽ. Vì thế, tất cả các nước cần được tiếp cận vaccine như nhau, thì đại dịch mới có thể kết thúc. Đang có nhiều nỗ lực toàn cầu để làm được điều này. Nhưng lớn nhất phải kể đến sáng kiến Covax của WHO và Liên minh vaccine Gavi. Mục tiêu của Covax là phân phối vaccine COVID-19 cho ít nhất 20% tổng số dân của các nước đã đăng ký tham gia chương trình.
Hơn 75 quốc gia giàu có hơn, trong đó có Anh, Canada - đã bày tỏ quan tâm tới việc hỗ trợ tài chính cho Covax.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!