Năm 2015, thế giới đã xuất hiện những kỷ lục đáng lo ngại về biến đổi khí hậu. Năm nay là năm nóng nhất trong lịch sử khí tượng nhân loại với hiện tượng El Nino mạnh nhất từng được ghi nhận, gây ra hàng loạt hình thái thời tiết cực đoan đỉnh điểm. Đó là đợt nắng nóng kỷ lục tại Ấn Độ và Pakistan đã khiến gần 4.000 người thiệt mạng, là cái nóng hơn 40 độ ngay giữa lòng châu Âu. Bên cạnh đó, lụt lội, hạn hán hoành hành ở mọi châu lục và băng tan, mực nước biển dâng khiến nhiều quốc đảo có nguy cơ bị xóa sổ.
Trước tình hình đó, COP 21 đã được tổ chức tại Paris, Pháp với sự tham gia của 195 quốc gia. Lần đầu tiên toàn thế giới cùng cam kết ứng phó biến đổi khí hậu Trái Đất. Tuy nhiên, những gì đạt được tại COP 21 mới chỉ là điểm bắt đầu của hành trình cứu Trái Đất với rất nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, COP 21 vẫn được coi là cơ hội lịch sử để cứu Trái Đất.
Theo TS Đỗ Sơn Hải - Trưởng khoa Chính trị quốc tế, Học viện Ngoại giao, thỏa thuận ở COP 21 thể hiện sự quyết tâm và đồng lòng của thế giới khi phải ứng phó với một trong những thách thức lớn nhất của thế giới vào thế kỷ XXI.
TS Đỗ Sơn Hải nhận định: "Giống như việc LHQ thông qua được Chương trình nghị sự phát triển bền vững đến 2030, nếu các nước không có quyết tâm sẽ không thể thỏa hiệp được. Nhưng để quyết tâm đó có thể đem đến những kết quả như cộng đồng quốc tế mong muốn, có lẽ chúng ta vẫn phải chờ đợi ở sự chân thành của mỗi quốc quốc gia, mỗi cá nhân trong việc thực hiện đúng những gì đã cam kết".
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!