Nhiều sự kiện sóng gió đã diễn ra trong quan hệ giữa ba nước lớn ở khu vực Đông Bắc Á là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Những bất đồng giữa ba nước trong tranh chấp chủ quyền, vết thương từ quá khứ, lịch sử và vấn đề Triều Tiên có thể khiến khu vực rơi vào trạng thái căng thẳng bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên, vào tuần qua, Bộ trưởng Ngoại giao ba nước đã nhóm họp lần đầu tiên trong Hội nghị Đông Bắc Á sau một thời gian dài gián đoạn.
Nhiều ý kiến cho rằng, mối quan hệ giữa ba nước đã có tiến triển khi quan hệ giữa Tokyo (Nhật Bản) và Bắc Kinh (Trung Quốc) có dấu hiệu được cải thiện hay Nhật Bản có những tuyên bố mềm mại hơn đối với Trung Quốc.
Ông Trần Việt Thái - Viện phó Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Ngoại giao - đồng tình với ý kiến này: "Thời gian qua, chúng ta thấy xu hướng trái chiều nhau trong quan hệ Trung - Nhật - Hàn. Mặc dù Trung Quốc và Hàn Quốc có bất đồng trong vấn đề tên lửa THAAD nhưng về cơ bản, quan hệ hai nước vẫn tốt đẹp, sự phụ thuộc lẫn nhau rất cao, nhất là về mặt kinh tế. Còn quan hệ Trung Quốc và Nhật Bản cũng đã có dấu hiệu ấm lên. Đặc biệt, Trung Quốc muốn thể hiện vai trò dẫn dắt, lãnh đạo ở Hội nghị G20 và muốn tập trung chủ yếu vào vấn đề kinh tế, trong đó có mong muốn hợp tác với Nhật Bản. Các nhà hoạch định chính sách đều coi đó là cơ hội".
Ông Trần Việt Thái - Viện phó Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Ngoại giao
Mặc dù vậy, theo ông Trần Việt Thái, hiện tại đây vẫn chỉ là những cải thiện ngắn hạn để phục vụ lợi ích trước mắt của mỗi bên. Ông nhấn mạnh: "Thực tế, cả ba bên đều phụ thuộc vào nhau về mặt kinh tế nên không thể để căng thẳng lên quá cao. Đây chính là một mỏ neo quan trọng nhằm giảm nhiệt, giúp căng thẳng không đi quá đà. Vì thế, ba bên đều vẫn cần có đối thoại để tìm kiếm những cơ hội hợp tác".
Ông cũng khẳng định, trong bối cảnh tình hình phức tạp như hiện nay, việc tổ chức được Hội nghị Đông Bắc Á là một thành công về mặt ngoại giao. Đối với nước chủ nhà Nhật Bản, việc tổ chức thành công sự kiện cũng như những cuộc gặp song phương bên lề rất có ý nghĩa, đặc biệt là việc mời được ông Vương Nghị - Ngoại trưởng Trung Quốc - sang Tokyo. Nhật Bản đang cần tìm kiếm kênh đối thoại để giảm căng thẳng trên biển và các căng thẳng khác, trong đó có căng thẳng song phương Trung Quốc - Nhật Bản, đồng thời chuẩn bị để Thủ tướng Shinzo Abe đi dự Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra tại Hàng Châu.
Để lắng nghe những phân tích, nhận định về quan hệ Trung - Nhật - Hàn, mời quý vị theo dõi video Toàn cảnh thế giới dưới đây:
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!