Gánh nặng nợ công và những bẫy rủi ro của nó có thể đe dọa bất cứ quốc gia vừa và nhỏ nào trong quá trình phát triển. Với Hy Lạp, ngày 20/8 vừa qua đã đi vào lịch sử với một dấu ấn, ghi nhận Hy Lạp đã chính thức được các định chế tài chính cho vay thừa nhận ra khỏi chương trình giải cứu... Hy Lap từ nay thoát khỏi những ràng buộc của các nước và các định chế cho vay nợ. Nền kinh tế Hy Lạp đã có thể trụ vững mà không cần tới trợ giúp của Liên minh châu Âu. Đó thực sự là một dấu mốc có thể ăn mừng, dù chặng đường khó khăn để nước này thực sự trút bỏ được gánh nặng nợ nần còn ở phía trước.
Nhìn lại sau 8 năm, Hy Lạp đã nghèo đi rất nhiều, GDP giảm 25% so với trước khủng hoảng. Tỷ lệ thất nghiệp nay vẫn ở mức trên 20%, nợ công vẫn tương đương với 178% tổng sản phẩm nội địa và Hy Lạp vẫn sẽ phải trả dần các khoản nợ này trong vòng 14 năm tới. Hy Lạp tuy thoát khỏi nhiều ràng buộc, thế nhưng chưa phải là hoàn toàn, mà vẫn phải cam kết từ nay đến năm 2022, thặng dư ngân sách hàng năm phải được ít nhất là 3,5%, và sau mỗi 3 tháng, Uỷ ban châu Âu sẽ cử người tới Hy Lạp kiểm toán ngân sách công.
Những bài học rút ra từ cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp là rất thiết thực với các quốc gia đang trong quá trình phát triển. Đó không chỉ là việc tránh rơi vào bẫy chi tiêu công thiếu kiểm soát, quá mức cho phép, mà còn là quản lý rủi ro tài chính, minh bạch nền tài chính công, đẩy mạnh sản xuất, tạo tăng trưởng bền vững….
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!