Thượng tôn pháp luật - Cơ sở giải quyết vấn đề quốc tế

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 05/02/2017 12:00 GMT+7

VTV.vn - Để có hòa bình, ổn định thì tinh thần thượng tôn pháp luật quốc tế phải được coi là cơ sở quan trọng nhất, giúp giải quyết các tranh chấp dai dẳng.

Năm 2016 đã khép lại với những biến chuyển không ngừng trong đời sống chính trị quốc tế. Rất nhiều sự kiện lớn đã xảy ra trong năm qua, tạo ra những thay đổi mang tính chất bước ngoặt hay còn gọi là những bước chuyển chấn động trong dòng chảy thời sự thế giới. Có thể kể đến việc người dân Anh bỏ phiếu cho nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu sau gần nửa thế kỷ gắn bó, nước Mỹ lần đầu tiên có một vị tổng thống doanh nhân - tỷ phú Donald Trump với những quan điểm về chủ nghĩa dân tộc, bảo hộ mậu dịch đang gây tranh cãi. Ở khu vực Đông Nam Á, vào tháng 7/2016, Tòa án Trọng tài thành lập theo phụ lục VII của công ước LHQ về luật biển năm 1982 đã ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện Philippines, Trung Quốc liên quan tới những tranh chấp về vấn đề biển Đông. Phán quyết này được coi là cơ sở quan trọng trong tương lai, giúp giải quyết những bất đồng trong vấn đề biển Đông.

Trong một thế giới chuyển biến không ngừng với các lợi ích đan xen giữa các quốc gia, để có hòa bình, ổn định thì tinh thần thượng tôn pháp luật quốc tế phải được coi là cơ sở quan trọng nhất, giúp giải quyết các tranh chấp dai dẳng. Đây cũng là chủ đề chính được bàn luận trong chương trình Toàn cảnh thế giới tuần này.

Chia sẻ ý kiến về phán quyết của Tòa Trọng tài phụ lục VII đối với vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc, TS. Phạm Lan Dung – Tổng thư ký Hội Luật Quốc tế Việt Nam cho biết phán quyết của Tòa đã giải quyế triệt để vấn đề được Philippines lựa chọn kỹ lưỡng khi nêu lên trong đơn kiện để đảm bảo Tòa có thẩm quyền xét xử.

"Với những vấn đề Tòa xem xét có thẩm quyền để xử lý, Tòa đã không hề né tránh và không từ chối thụ lý những vấn đề đó. Phán quyết không giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền các cấu trúc ở biển Đông bởi nó không nằm trong phạm vi của công ước luật biển 1982 và cũng không phải vấn đề Philippines nêu lên trong đơn kiện.

Phán quyết đã giải quyết các vấn đề quan trọng nêu ra trong đơn kiện. Thứ nhất, phán quyết đã nêu rõ không có cơ sở pháp lý nào cho đường lưỡi bò. Thứ hai, phán quyết cũng nêu rõ những cấu trúc ở Trường Sa nhiều nhất chỉ đáp ứng đủ điều kiện để được coi là đảo đá theo công ước luật biển 1982, tức là không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Một số cấu trúc được xác định là bãi lúc nổi, lúc chìm, không thể là đối tượng để yêu sách chủ quyền và không có các vùng biển. Thứ ba, phán quyết cũng xác định hoạt động nạo vét san hô, xây dựng các đảo của Trung Quốc đã vi phạm nghĩ vụ bảo vệ môi trường biển. Các hành động gây cản trở đối với ngư dân Philippines đánh bắt cá ở khu vực xung quanh bãi cạn Scarborough đã vi phạm quyền đánh bắt cá truyền thống ở khu vực này. Ngoài ra, các hoạt động gây hấn của Trung Quốc cũng vi phạm quyền về tự do hàng hải", TS. Phạm Lan Dung chia sẻ.

Khi được hỏi về ảnh hưởng của phán quyết này đối với các vấn đề biển Đông trong tương lai, TS. Phạm Lan Dung trả lời: "Trên cơ sở lập luận pháp lý này, phán quyết đã xử lý được các vấn đề trên thực tiễn như sau: loại trừ cơ sở pháp lý để Trung Quốc viện dẫn, yêu sách đường lưỡi bò, các yêu sách biển cũng như thực hiện các hoạt động gây căng thẳng; loại trừ cơ sở để các bên vin vào các cấu trúc để tranh chấp; cung cấp cơ sở pháp lý rõ ràng để giảm thiểu các vùng chồng lấn, tạo môi trường ổn định hơn,…  

Cùng theo dõi trọn vẹn chương trình Toàn cảnh thế giới số đầu tiên của năm Đinh Dậu 2017 qua video dưới đây:

* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước