Trong khi đó, theo đánh giá của các nhà khoa học, chính việc bỏ ngỏ quản lý bản quyền giống hoa, điều khó tránh khỏi là sự thất thoát nguồn gene quý hiếm và thiệt hại không hề nhỏ về mặt kinh tế, nếu mất bản quyền.
Tại Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, những con đường ven chợ vẫn được nhiều người gọi là con đường của lan rừng, khó có thể đếm mỗi ngày có bao nhiêu lan rừng được bày bán và cũng khó có thể xác định có bao nhiêu loài lan rừng bị khai thác và đưa ra thị trường. Nhiều ngôi làng ở tỉnh Lâm Đồng hình thành những nhóm người săn lan rừng. Từ lâu, đường dây mua gom lan rừng từ các làng, sau đó cung ứng lan rừng ra thị trường đã hình thành.
Ông Đỗ Châu Sơn, Phường 9, Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Lan rừng ngày một ít đi, thu gom lan rừng ở Việt Nam mỗi ngày một nhiều nên lượng giảm xuống”.
‘ Đà Lạt - Thành phố ngàn hoa. Ảnh: Lâm Đồng
Nguồn lan rừng suy giảm nghiêm trọng, thậm chí nhiều loài quý hiếm bị xóa sổ là một chuyện, điều đáng lo ngại hơn, thị trường lan rừng đã không dừng ở trong nước, nghĩa là không ít loài lan quý hiếm bằng nhiều con đường bị xuất ra nước ngoài, và đây là con đường đánh mất bản quyền lan rừng của Việt Nam.
Không chỉ hoa lan, nhiều loài hoa khác đặc hữu ở Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị đánh mất bản quyền. Ngược lại, nhiều loài hoa đưa vào canh tác ở Việt Nam, được nhân giống, được sản xuất thương mại mà hầu như người sản xuất không hề biết là đã vi phạm bản quyền.
Mất bản quyền và vi phạm bản quyền, cả hai thực tế cùng xảy ra đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh hoa ở Việt Nam. Tất cả xuất phát từ nguyên nhân: rất hiếm người để tâm đến vấn đề bản quyền giống hoa.
Theo PGS.TS. Dương Tấn Nhựt, Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên: “Các nước có công nghệ sản xuất hoa phát triển cũng như thị trường tiêu thụ hoa ở nhiều nước đều đặt mạnh vấn đề bản quyền giống hoa, xem đây như tiêu chí bắt buộc”.
Các nhà khoa học cho rằng, bản quyền giống hoa nếu được xác lập không chỉ là cách để bảo tồn nguồn gen quý hiếm, mà còn là cách để bảo vệ tài sản vô hình, một khi sở hữu độc quyền giống hoa. Nhưng ai sẽ là người làm công việc này?
1,8 tỷ cành hoa là sản lượng hoa mỗi năm mà tỉnh Lâm Đồng cung ứng ra thị trường. Sản xuất hoa đã được khẳng định là ngành kinh tế quan trọng ở địa phương này và được dự báo sẽ đưa Lâm Đồng trở thành một trong những trung tâm sản xuất hoa có tiếng của cả khu vực Đông Nam Á. Điều này cũng đồng nghĩa, quản lý bản quyền giống hoa đang thực sự là yêu cầu bức thiết.