Tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào chiều nay (15/8), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu về tình trạng hàng giả, làm giả nhãn mác, thương hiệu hàng Việt Nam cũng như tiêu chuẩn để xác định xuất xứ "Made in Vietnam".
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, hiện nay cũng đã có khuôn khổ pháp luật để quản lý hàng hóa xuất xứ Việt Nam căn cứ theo Nghị định 43 và Nghị định 31 hướng vào 2 mục tiêu khác nhau: "Nghị định 43 yêu cầu doanh nghiệp khi sản xuất phải công bố, quản lý xuất xứ. Nghị định 41 hướng tới cung cấp điều kiện doanh nghiệp đăng ký sử dụng xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế, quy định hàm lượng xuất xứ Việt Nam tối thiểu là 30%".
Dựa trên tình hình thực tế, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, Bộ Công Thương đang hoàn thiện dự thảo thông tư về tiêu chuẩn để xác định xuất xứ "Made in Vietnam": "Nghị định 43 chưa có tiêu chí và hàm lượng cụ thể để đăng ký xuất xứ và sản xuất tại Việt Nam. Chúng tôi đã phát hiện điều này và hơn 1 năm qua đã thảo luận xây dựng thông tư sản phẩm xuất xứ Việt Nam theo quy định của Tổ chức thương mại thế giới để hướng dẫn chung cho các sản phẩm xuất xứ Việt Nam, không phân biệt nội địa và xuất khẩu".
"Thông tư này đã được xin ý kiến trong xã hội, các tổ chức và sau khi có ý kiến thì chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ để thực hiện quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thông tư sẽ tạo thuận lợi để doanh nghiệp đăng ký, công bố và chịu trách nhiệm cho sản phẩm đăng ký nhưng xã hội, các cơ quan chức năng có thể giám sát sự trung thực cũng như trách nhiệm của doanh nghiệp khi sản xuất, cung ứng sản phẩm và xuất khẩu" – trưởng ngành Công Thương cho biết thêm.
Trong thời gian qua, Bộ Công Thương cũng đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ hàng hóa nước ngoài, có xu hướng mượn xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu nhằm hưởng lợi miễn phí, được miễn hoặc giảm thuế từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia.
Đến nay, đã có ít nhất 19 vụ điều tra chống lẩn tránh được các nước khởi xướng đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam. Trong đó có EU và Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đầu với 6 vụ việc, 5 vụ việc từ Hoa Kỳ và 2 vụ việc từ Brazil.
Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan cũng đang kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh vụ việc Công ty cổ phần Điện tử Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác nhưng gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường trong nước. Nếu phát hiện vi phạm, sẽ xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!